Nguyên Bình đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Huyện Nguyên Bình thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn lực từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực LĐNT trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh học nghề và xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số.

Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng đào tạo nghề cho 818 học viên là LĐNT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 25 lớp đào tạo nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò tại các xã: Minh Tâm, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thành Công, Ca Thành; chuyển giao kỹ thuật trồng cây lê, đào, mận tại xã Vũ Nông; đào tạo nghề trồng chè, cây dong riềng tại xã Thành Công và dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Hoa Thám cho 788 học viên.

Bên cạnh đó, huyện quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh Đặng Chàn Phu, xóm Tổng Ngà, xã Thể Dục chia sẻ: Từ khi được học lớp dạy nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện, tôi vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị, mở của hàng sửa chữa xe máy phục vụ bà con trong xã. Sau một thời gian đã trả hết nợ và có thu nhập...

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp khó khăn do phần lớn lực lượng lao động tại địa phương đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; những người ở nhà chủ yếu người quá độ tuổi lao động, không biết chữ, không thuộc đối tượng được đào tạo theo quy định. Người lao động tham gia học nghề, vừa học nghề vừa phải lo mưu sinh trong cuộc sống, nên đôi lúc không đảm bảo đi học đúng thời gian theo quy định làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giáo viên. Một số nghề giáo viên cơ hữu còn thiếu, phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, chế độ thù lao cho giáo viên dạy nghề ít trong khi giáo viên phải trực tiếp xuống xóm, vùng sâu, vùng xa để mở lớp đào tạo nghề nên chưa thu hút được nguồn giáo viên tham gia giảng dạy. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức tại các xã nên việc đi lại, vận chuyển thiết bị vật tư của giáo viên và việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hỗ trợ cho người học còn thấp chưa thật sự khuyến khích được học viên và không phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành.

Dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình Nguyễn Văn Thông thông tin: Hằng năm, trung tâm luôn chủ động phối hợp với các phòng, ban, địa phương để rà soát số lượng, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.

Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có khả năng giải quyết được việc làm sau khi học nghề. Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người dân để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, đặc hữu phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Thực hiện đa dạng các loại hình, hình thức đào tạo nghề theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng người lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu việc làm của mình. Tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nguyên Bình Vũ Văn May cho biết: Đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để vươn lên thoát nghèo; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng ưu đãi gắn với công tác đào tạo nghề cho người lao động. Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hộ nghèo của huyện giảm rõ rệt, tổng số hộ nghèo cuối năm 2023 còn 4.120 hộ, chiếm 44,42%, 1.892 hộ cận nghèo, chiếm 20,4%, giảm 1.109 hộ nghèo tương ứng giảm 12,83% hộ nghèo so với đầu kỳ.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-day-manh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-3171787.html