Nguyên nhân đồng euro suy yếu bất chấp ECB tiếp tục tăng lãi suất
Đồng euro đang giảm giá so với đồng franc Thụy Sỹ và đồng USD, mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.
Đồng tiền chung châu Âu đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục so với đồng tiền Thụy Sỹ. Cuối tuần trước, tỷ giá giữa hai đồng tiền này là 0,9566 franc Thụy Sỹ đổi 1 euro, không xa mức thấp kỷ lục ghi nhận trong tháng 9/2022 là 0,9502 franc đổi 1 euro.
Đồng euro gần đây cũng yếu hơn đáng kể so với đồng USD. Sáng ngày 19/9, tại thị trường châu Á, đồng euro giảm 0,1%, xuống mức 1,0679 USD đổi 1 euro, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi là 1,0629 USD đổi 1 euro vào tuần trước, khi ECB báo hiệu lộ trình tăng lãi suất có thể kết thúc. Cuối tuần trước, ngày 15/9, đồng tiền này đã đạt mức thấp nhất trong 6 tháng qua ở mức 1,0632 USD đổi 1 euro.
Thoạt nhìn điều này thật đáng ngạc nhiên. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4% vào ngày 15/9, đánh dấu lần tăng thứ 10 liên tiếp. Cuối tháng 7/2022, lãi suất vẫn ở mức -0,5%, cho thấy ECB đã thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể trong vài tháng qua.
Lãi suất cao hơn giúp giữ giá trị đồng tiền, và nhiều người tham gia thị trường đã không mong đợi việc tăng lãi suất của ECB vào ngày 15/9. Thomas Stucki, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại St. Galler Kantonalbank (SGKB), cho biết: “Phản ứng của đồng euro trước việc ECB tăng lãi suất hôm 15/9 thật đáng ngạc nhiên”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đồng tiền này suy yếu?
*Nền kinh tế lạm phát đình trệ
Ông Stucki cho biết, đồng USD đang được hưởng lợi từ thực tế là nền kinh tế Mỹ đang phát triển tương đối tốt - mặc dù từ lâu người ta đã dự kiến sẽ có một đợt suy thoái. Đồng franc cũng tăng giá so với đồng euro do Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ tiếp tục đẩy mạnh việc bán ngoại tệ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư không kỳ vọng lãi suất của ECB sẽ tăng thêm. Trước hết, đồng euro có lẽ đã suy yếu do đại diện của ECB thông báo rằng không có kế hoạch tăng lãi suất thêm vào thời điểm hiện tại. Nhiều nhà đầu tư đang giả định rằng lãi suất sẽ không thay đổi trong một thời gian dài hơn và lãi suất đã đạt đỉnh.
Ngày 16/9, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng những đợt tăng lãi suất gần đây ở khu vực đồng euro - nếu được duy trì trong một thời gian - sẽ đủ để đưa lạm phát đến gần mục tiêu 2% của ECB.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế tồi tệ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng đang làm suy yếu đồng euro. Khu vực này hiện đang phải chịu đựng hiện tượng được gọi là lạm phát đình trệ, một hiện tượng kinh tế kết hợp giữa trì trệ và lạm phát, nghĩa là nền kinh tế không tăng trưởng và lạm phát vẫn ở mức cao. Trong tháng 8/2023, lạm phát ở Eurozone vẫn ở mức 5,3%.
Karsten Junius, nhà kinh tế trưởng tại Bank J. Safra Sarasin, cho biết: “Lạm phát đình trệ là sự kết hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho tình trạng lạm phát đình trệ trong vài quý ở Eurozone”. Lạm phát nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh đã ngăn cản tiền lương giảm - từ đó khiến lạm phát ở mức cao. Quá trình phi toàn cầu hóa, phát triển nhân khẩu học và biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát.
Tình hình khó khăn của Đức - nền kinh tế “đầu tàu” Eurozone - cũng là một tác nhân. Đức gần đây lại bị coi là “bệnh nhân của châu Âu”, mặc dù nền kinh tế nước này vốn được cho là động lực cho khu vực. Nền kinh tế Đức đã mất khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây và giá năng lượng cao đang gây áp lực lên ngành công nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế Đức còn phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc, nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn với hàng loạt vấn đề. Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản.
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden đã nhiều lần suýt vỡ nợ và Evergrande, công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực này, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào tháng 8/2023. Lĩnh vực bất động sản chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Ông Junius tin rằng khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc là khó có thể xảy ra, khi lượng cho vay hàng tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7/2023.
*Gánh nặng cho nền kinh tế Thụy Sỹ
Sự phát triển yếu kém ở Eurozone cũng không tốt cho nền kinh tế Thụy Sỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Thụy Sỹ là 0% trong quý II năm nay. Ngành công nghiệp Thụy Sỹ bị ảnh hưởng nặng nề và cảm nhận được sự sụt giảm ở các thị trường như Trung Quốc và châu Âu. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) có tăng thêm lãi suất cơ bản vào cuộc họp ngày 21/9 tới hay không.
Người tiết kiệm và nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong môi trường hiện tại? Ông Junius hiện đang thận trọng về lĩnh vực cổ phiếu. Những “cơn gió ngược” về kinh tế có thể sẽ tiếp tục gia tăng cho đến cuối năm, do xu hướng đi lên tại Mỹ có thể mất đà. Nhiều cổ phiếu đang trở nên đắt đỏ ở mức giá hiện tại.
Khi nói đến đầu tư chứng khoán, hiện tại ông nghiêng về các thị trường phòng thủ hơn. Trong thị trường chứng khoán phòng thủ, những cổ phiếu ít phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế sẽ có tỷ trọng lớn hơn - ví dụ như cổ phiếu của các nhà sản xuất dược phẩm hoặc thực phẩm. Nhà kinh tế trưởng của Safra-Sarasin khuyến nghị nên tránh các cổ phiếu từ Eurozone, mặc dù chúng thường được định giá rẻ. Điều này là do chu kỳ kinh tế suy yếu đang diễn ra ở châu Âu và Trung Quốc./.