Nhà đày Buôn Ma Thuột - trường học của những người cộng sản

Ở nhà đày Buôn Ma Thuột, những chiến sĩ cộng sản đã lấy nhà tù làm nơi đấu tranh, rèn luyện ý chí sắt đá, buộc thực dân, đế quốc phải khoan nhượng...

Hiếm quốc gia nào trên thế giới mà nhà tù của thực dân, đế quốc hiện diện ở khắp nơi như đất nước Việt Nam. Ở đó, những người tù bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần, song không vì thế, ý chí quyết tâm của họ bị đánh gục. Ngược lại, họ đã lấy nhà tù làm nơi đấu tranh, rèn luyện ý chí sắt đá, buộc thực dân, đế quốc phải khoan nhượng... Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là một nơi như thế!

Bất khuất trong ngục tù tăm tối

Cảnh những người tù cộng sản vẫn giữ vững ý chí chiến đấu cho ngày độc lập trước đòn roi dã man của thực dân được tái hiện tại di tích nhà đày Buôn Ma Thuột

Cảnh những người tù cộng sản vẫn giữ vững ý chí chiến đấu cho ngày độc lập trước đòn roi dã man của thực dân được tái hiện tại di tích nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột nay là di tích quốc gia đặc biệt. Công trình này do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1930 - 1931, dùng làm nơi đày biệt xứ và giam giữ những cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xử án nặng. Đa phần người tù là những người đi đầu các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh sau này.

"Trong thập niên 30 của thế kỷ XX, Đắk Lắk là tỉnh rộng lớn ở Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự. Đây là vùng đất hội đủ các điều kiện để thực dân Pháp đày biệt xứ và giam giữ các chiến sĩ cộng sản bị bắt trong các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo...", cuốn lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuột viết.

Theo Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, nhà đày Buôn Ma Thuột rộng 2 ha. Các công trình trong đó được xây dựng và hoạt động trong 2 giai đoạn: 1931 - 1945 thời Pháp thuộc và 1945 - 1975, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ở đây có nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà giáo huấn, khu tra tấn, khu bàn giấy... 6 nhà lao chính được xây kiên cố, phía trên có dây thép gai để chống tù nhân vượt ngục, tùy theo mức độ nguy hiểm mà người tù sẽ bị cùm chân. Tù nhân cộng sản ở đây thường xuyên bị tra tấn, đày đọa bằng đủ ngón đòn tàn độc.

Trong nhà đày Buôn Ma Thuột còn có những ghi chép về lời của tay quản ngục khét tiếng Mahomad Moshine: "Ngày nào không đánh đập, giết chết được phạm nhân thì tối về ăn không ngon cơm...".
Không khuất phục trước các màn hành hạ dã man của thực dân, những người tù cộng sản luôn động viên nhau nuôi dưỡng ý chí cách mạng, biến nhà tù thành trường học.

Bước đến Ngày Độc lập

Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay là di tích quốc gia đặc biệt

Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay là di tích quốc gia đặc biệt

Từ năm 1930 - 1945, dưới chế độ hà khắc của thực dân Pháp, tù nhân tại nhà đày Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, trong đó nổi bật là cuộc đấu tranh 45 ngày đêm.
Tháng 6.1937, hơn 700 tù nhân tổ chức đình công đòi thi hành chế độ tù chính trị với khẩu hiệu “Thả tù chính trị. Thi hành chế độ tù chính trị! Thay gác ngục! Đả đảo Moshine”.

Nhằm áp đảo cuộc đấu tranh, đại đội lính khố đỏ được tăng viện vào khủng bố tù nhân. Quản ngục Moshine dùng mọi thủ đoạn hành hạ, tra tấn, từ cùm chân, trói tay, dùng gậy có đóng đinh, dùng vồ đập lên đầu... Độc ác hơn, hắn đâm vào chân, vào bụng tù nhân rồi liếm máu trên đầu lưỡi lê...

Trước sự đàn áp của thực dân, cuộc đấu tranh của tù nhân vẫn tiếp tục với tất cả những căm hờn: “Thi hành chế độ tù chính trị! Tống cổ tên Moshine! Tống cổ tên Moshine!”. Trong tuần lễ đầu, mỗi ngày các tù nhân hô khẩu hiệu hai buổi. Đến ngày thứ 15 thì hơn 300 người tuyên bố tuyệt thực một bữa cơm để hưởng ứng. Sau một tháng, quản ngục vẫn làm ngơ, song tù nhân quyết định tiếp tục đấu tranh, hơn 100 anh em tù chính trị nữa tuyên bố không đi làm, tham gia hò la. Người ốm đau càng nhiều, tất cả sức đã yếu, anh em an ủi nhau kiên trì chịu đựng. Sáng ngày thứ 45, trước sức ép của cuộc đấu tranh và sức ép dư luận, bọn cầm quyền thực dân phải thực hiện quy chế “Tù chính trị”, đơn của tù nhân được giải quyết. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi một lần nữa đã khẳng định sự đoàn kết và ý chí đấu tranh kiên cường của tập thể tù nhân tại nhà đày Buôn Ma Thuột là sức mạnh không một thế lực tàn bạo nào có thể khuất phục được.

Mặc dù bị đối xử, hành hạ dã man, song tinh thần đấu tranh của những người tù nơi đây không hề lay chuyển. Ngày nay, tại các khu xà lim của nhà đày Buôn Ma Thuột còn khắc ghi hình ảnh của những người tù nổi tiếng: Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Đoàn Khuê, Phan Đăng Lưu, Tố Hữu...

Từ trong ngục tù tăm tối của nhà đày Buôn Ma Thuột, những người tù cộng sản đã bước ra ánh sáng dưới sự soi đường chỉ lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, để góp phần cùng đồng bào từ thân phận nô lệ, bước lên làm chủ vận mệnh đất nước bằng Ngày Quốc khánh đầu tiên 2/9/1945.

Theo báo Nhân Dân ngày 13.4.1990, tổng số tù nhân bị đưa đến nhà đày Buôn Ma Thuột qua các phong trào là 3.855 đồng chí, gồm đại bộ phận là đảng viên Đảng Cộng sản, trong đó có cả các đồng chí Ủy viên Trung ương, Xứ ủy viên... Trong số các đồng chí từng bị giam giữ ở đây có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 44 tướng lĩnh quân đội (trong đó có 2 Đại tướng, 2 Thượng tướng), 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 43 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương...

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nha-day-buon-ma-thuot-truong-hoc-cua-nhung-nguoi-cong-san-355108.html