Nhà khoa học khó sống bằng nghiên cứu

Sau ý kiến của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với cán bộ, giảng viên đại học (ĐH) về việc tìm kinh phí nghiên cứu từ các nguồn tài trợ, các chuyên gia cho rằng, việc chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học vốn đã rất 'hẻo' lại còn dự định xã hội hóa thì đúng là 'đòn chí mạng' để 'bóp chết' nhà khoa học.

GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam chia sẻ câu chuyện về Quỹ Nafosted, Bộ Khoa học và Công nghệ. Quỹ Nafosted ra đời hơn 10 năm trước với vai trò quan trọng là vườn ươm nghiên cứu khoa học. Trước khi có Quỹ này, đầu tư khoa học gần như chưa được nghĩ đến và ngân sách cũng khiêm tốn.

Những năm đầu tiên, hầu hết các công trình khoa học có chất lượng được công bố quốc tế do Quỹ tài trợ. Sau hơn 10 năm thì phần tài trợ cho công bố quốc tế chỉ chiếm khoảng 10%. Mặt tích cực của hiện tượng này là khẳng định sự tham gia đầu tư của các trường ĐH vào nghiên cứu khoa học. Nhưng mặt khác vốn là mẫu mực về khoa học của Việt Nam thì vai trò của Quỹ lại đang giảm do ngân sách chi ngày một giảm.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà NôịẢnh: Diệp An

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà NôịẢnh: Diệp An

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, ngân sách chi cho Quỹ Nafosted rất… phập phù. Năm 2023, dự kiến Quỹ được bổ sung 300 tỷ. Năm 2022, Quỹ không có ngân sách bổ sung. Năm 2020, 2021, Quỹ được bổ sung gần 250 tỷ. Năm 2019, trong dự toán ban đầu, không có tên Quỹ được bổ sung ngân sách nhưng trong bản điều chỉnh chi ngân sách đợt 2, Quỹ được bổ sung… 15 tỷ đồng.

Chiều 7/6 vừa qua, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nội dung của lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023, tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ là 2.076 tỷ đồng, chiếm 0,82%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Câu chuyện thứ hai mà GS Phùng Hồ Hải thông tin là ngân sách chi cho Viện Toán học Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nơi ông đang công tác và đã có thời gian làm Viện trưởng. Viện Toán có 70 nhân sự, chiếm khoảng 4% nhân sự và kinh phí được đầu tư hằng năm chiếm khoảng hơn 1% của Viện Hàn lâm.

Cụ thể, ngân sách chi cho Viện bao gồm chi thường xuyên, hoạt động nghiên cứu khoa học khoảng 13 - 15 tỷ đồng. Như vậy tính trung bình cả lương và nghiên cứu khoa học thì chỉ khoảng trên 210 triệu đồng/năm/người. Nếu tính mức lương trung bình của Viện khoảng 9-10 triệu đồng/tháng (vì phần lớn nhân lực của Viện có trình độ từ tiến sĩ đến giáo sư) thì số tiền dành cho nghiên cứu còn rất nhỏ. Do đó Viện Toán phải tìm thêm các quỹ khác bên ngoài, kinh phí này khoảng 5 tỷ đồng/năm. Nhưng phải nói rõ rằng nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Viện Toán không phải chỉ dành cho cán bộ, chuyên viên của Viện mà cho cộng đồng Toán học Việt Nam nói chung như nghiên cứu sinh hay những người trẻ ngoài viện.

Từ thực tế trên, GS Phùng Hồ Hải cho rằng việc giảm đầu tư cho khoa học cơ bản nói riêng và khoa học nói chung ở Việt Nam hiện nay giống như quan điểm “rút củi đáy nồi”, lãng phí và làm thui chột thế hệ nhà khoa học trẻ. Bởi họ hoặc bỏ việc hoặc tìm cách gian lận trong khoa học do bị tác động bởi cơ chế thị trường, dẫn đến đạo đức khoa học xuống cấp.

Kinh phí của bộ cũng hạn chế

Tại buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với cán bộ, giảng viên ĐH vừa qua, TS Đinh Minh Hằng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thẳng thắn nêu thực tế hiện trạng đầu tư cho khoa học - công nghệ hiện nay của Việt Nam còn thấp. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tới 636 giảng viên mà kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD&ĐT chỉ khoảng 6 - 8 tỷ đồng/năm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ. Như vậy, tính trung bình mỗi giảng viên chỉ được đầu tư 10 - 15 triệu đồng/người/năm. Đây là một khoản chi đầu tư chưa thu hút được sức lực của các giảng viên. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ. Bà Hằng đề xuất Bộ GD&ĐT nên chủ động đặt hàng, dựa vào thực lực các nhà khoa học để giải quyết một vấn đề cụ thể của Bộ, của xã hội đặt ra.

Trả lời ý kiến của tiến sĩ Minh Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, một trong những yếu tố quan trọng là nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học. Nguồn kinh phí này hiện có hạn. Để có kinh phí nghiên cứu, trường ĐH cần huy động từ nhiều nguồn: nguồn thu tự chủ của trường ĐH, nguồn đặt hàng của các đối tác cần sử dụng các kết quả nghiên cứu... Theo ông Sơn, ngay kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn. Bộ chỉ đặt hàng những nghiên cứu cơ bản liên quan tới hoạt động giáo dục và việc quản lý nhà nước của Bộ… Vì thế, trường ĐH cần phải hướng tới các đối tượng khác, là nơi cần các sản phẩm nghiên cứu và là nơi có tiền, đó là các doanh nghiệp.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-khoa-hoc-kho-song-bang-nghien-cuu-post1560924.tpo