Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng ra mắt dịch phẩm 'Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng'

Sau công trình Văn minh vật chất của người Việt đoạt giải B Sách Quốc gia lần 5 năm 2022, mới đây, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cùng cộng sự Phan Tường Linh vừa ra mắt dịch phẩm Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng (Zenbooks và NXB Thế giới).

Đây được xem là công trình lý giải cặn kẽ và toàn diện vô số các biểu tượng, mô típ Phật giáo Tây Tạng của tác giả Robert Beer. Ông là học giả người Anh, có hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Ông cũng là một trong những người phương Tây đầu tiên tích cực tham gia vào loại hình nghệ thuật này. Riêng những bức vẽ của ông đã xuất hiện trên hàng trăm cuốn sách và website liên quan đến Phật giáo.

Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Robert Beer. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và lọt top 100 cuốn sách bán chạy nhất hạng mục “Nghệ thuật và Nhiếp ảnh tôn giáo” (Religious Arts và Photography) trên Amazon.

 Sách được dành cho ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng cũng như lịch sử Phật giáo

Sách được dành cho ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng cũng như lịch sử Phật giáo

Qua 16 chương sách, tác giả đưa bạn đọc vào một “chuyến tham quan” ngoạn mục và lý thú: Bắt đầu bằng các nhóm biểu tượng tốt lành khác nhau của Phật giáo Tây Tạng; kế đến là những hình tượng động vật tự nhiên, thần thoại, biểu tượng vũ trụ; rồi cuối cùng "dừng chân" ở những nghi lễ thần bí của Kim cương thừa.

Với từng biểu tượng và mô típ, Robert Beer dùng những mô tả cô đọng cùng các nét vẽ tỉ mỉ và tinh xảo (mà Beer mất đến 8 năm để vẽ xong) - để làm sáng tỏ chi tiết, nguồn gốc và nhiều lớp ý nghĩa được chứa đựng trong chúng.

Dù nội dung những miêu tả trong sách đều hết sức cô đọng, nhưng chúng cũng chứa đựng những câu chuyện, điển tích và những khám phá mới lạ, thể hiện chiều sâu mênh mông của triết lý nhà Phật. Và không chỉ ở nội dung, tinh thần Phật giáo mà còn thấm đượm trong lối tiếng Anh uyển nhã, đầy lòng xác tín của tác giả Robert Beer.

Với nội dung hấp dẫn, toàn diện và hình ảnh tinh xảo, Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng là tác phẩm hàng đầu dành cho ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng cũng như lịch sử Phật giáo. Không những vậy, cuốn sách cũng sẽ rất hữu ích với những nghệ sĩ, nhà thiết kế, cùng bất cứ ai quan tâm đến nghệ thuật biểu tượng, mỹ thuật và nghệ thuật phương Đông nói chung.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-ra-mat-dich-pham-so-tay-bieu-tuong-phat-giao-tay-tang-post741787.html