Nhà ở, văn phòng, quán nhậu 'biến' thành trường tư thục (bài 1)
Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc THCS ở mức độ 3, song những năm gần đây, chỉ riêng việc tuyển sinh vào khối lớp 10 hàng năm đã có hơn chục nghìn học sinh lớp 9 không có cơ hội vào trường THPT công lập. Do chưa đến tuổi lao động nên hầu hết số học sinh này đều phải tiếp tục theo học các trường tư thục, trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, việc cấp phép, quản lý đối với hoạt động của khối trường tư thục bậc THPT đang có nhiều vấn đề đáng quan ngại…
Trường tư chỉ được tuyển vài chục học sinh khối 10
Mặc dù Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT đã quy định rất rõ, trường THPT phải có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa lên tới 45 lớp; diện tích khu đất xây dựng trường được xác định dựa theo số lớp, số học sinh nhưng phải đảm bảo bình quân tối thiểu 10m2/học sinh. Đối với các trường có tổ chức nội trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú phải bảo đảm 6m2/học sinh nội trú.
Ngoài ra, Thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) còn quy định vị trí đặt trường, điểm trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương và đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy, nổ. Các hạng mục công trình trực tiếp phục vụ hoạt động dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 4 tầng và ngoài khối phòng học chính, còn phải đáp ứng diều kiện về một loạt các phòng học bộ môn, phòng đa chức năng, phòng hỗ trợ học tập, thư viện, phòng thiết bị giáo dục, y tế…

Địa chỉ số 217 Nơ Trang Long, phường Bình Thạnh của trường THPT Sài Gòn.
Quy định như vậy, nhưng thực tế phần lớn các trường tư thục có bậc THPT tại các phường thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh trước đây đều không đảm bảo diện tích, có nơi đang sử dụng sai công năng nhà, đất khi “biến” nhà ở, văn phòng công ty, nhà xưởng… thậm chí là cả mặt bằng quán nhậu thành trường học.
Để các trường THPT ngoài công lập có thời gian tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới, ngày 28/5 vừa qua ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT thành phố đã ký quyết định về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 cho 64 trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học thuộc loại hình tư thục ở địa bàn TP Hồ Chí Minh (trước khi sáp nhập). Trong phụ lục kèm theo quyết định này ghi rất rõ số lớp, số lượng học sinh đầu cấp học THPT các trường được phép tuyển tại những địa điểm đã có quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Theo địa chỉ được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của Sở GDĐT, chúng tôi tìm tới địa điểm hoạt động của Trường liên cấp TH - THCS và THPT Thái Bình Dương trên đường Bạch Đằng, phường Tân Sơn Hòa. Đây là căn nhà mặt tiền có bề mặt rộng khoảng 8m được xây cao đến 7 tầng. Cả 3 cấp học của Trường TH-THCS và THPT Thái Bình Dương được đặt căn nhà mặt tiền, xây dựng giống như tòa nhà văn phòng. Do đó, năm học sắp tới trường này chỉ được giao tuyển sinh 1 lớp 10 với số lượng vỏn vẹn 16 học sinh.
Địa điểm được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trong quyết định của Sở GDĐT tiếp theo mà chúng tôi có mặt là số 103 Hà Huy Giáp và thửa đất số số 643 - tờ bản đồ số 43 ở phường An Phú Đông của Trường THPT Đông Dương. Tuy chỉ là căn nhà phố cao 4 tầng nằm phía sau căn mặt nhà tiền cùng lô đất bên cạnh, nhưng tại đây cũng được phép tuyển 120 học sinh trong năm học mới.
Tại địa chỉ số 215D - 215E và 217 Nơ Trang Long, phường Bình Thạnh của trường THPT Sài Gòn, dù được giao chỉ tiêu tuyển sinh 10 lớp 10 với 300 học sinh, nhưng trường chưa gắn biển tên. Thậm chí tại số 215D - 215E Nơ Trang Long được treo biển Trường Cao đẳng Dược; riêng địa chỉ số 217 Nơ Trang Long vốn trước đây là quán nhậu với căn nhà 2 tầng, khoảng trống phía trước vẫn được che bạt…
Cũng được giao tuyển sinh đến 5 lớp 10, nhưng tổng số lượng học viên chỉ có 80 em, bình quân 16 học sinh/lớp, Trường THCS và THPT Bắc Sơn trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận là một căn nhà 4 tầng chạy dài về phía sau với nhiều phòng nhỏ. Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trên đường Ngô Quyền, phường An Đông nằm chung trong tòa nhà cao 6 tầng gắn biển Trường ĐH Hùng Vương, có bề rộng khoảng 30m mặt tiền.
Riêng tầng mái được tận dụng vây bằng tôn để có thêm 1 tầng và được giao chỉ tiêu tuyển sinh đến 10 lớp với 350 học sinh. Tương tự, cơ sở đào tạo tại số 51/4 đường Hòa Bình, phường Tân Phú của Trường THPT An Dương Vương được giao chỉ tiêu tuyển sinh 4 lớp 10 với số lượng 120 học sinh là một khu nhà xưởng cũ, biển hiệu thì còn nhưng tên trường đã không còn.
Chung tình trạng trên, một loạt các trường tư thục THPT hoặc có bậc THPT khác như Trường liên cấp TH-THCS và THPT Nguyễn Tri Phương nằm trên đường số 30, phường An Hội Tây được phép tuyển 1 lớp 10 với 20 học sinh; Trường THCS và THPT Phan Bội Châu với 4 số nhà mặt tiền đường Nguyễn Đình Chi, phường Bình Tây được tuyển 3 lớp với 84 học sinh; Trường liên cấp TH-THCS và THPT Văn Lang trên đường Tân Thành, phường Chợ Lớn được tuyển 3 lớp với 60 học sinh…

Cơ sở được giao tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT An Dương Vương.
Trường quốc tế cũng được “xé lẻ” thành nhiều địa điểm dạy học?
Trường “nội” đã vậy, nhiều trường dù mang danh “quốc tế”, nhưng cơ sở vật chất cũng chẳng khá hơn. Trường liên cấp TH-THCS và THPT Việt Úc được Sở GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh tới 26 lớp 10 nhưng chỉ với 483 học sinh và được chia nhỏ ra tới 6 địa điểm. Trong đó địa điểm ở số 99 lô B, Nguyễn Thị Thập, phường Tân Mỹ chỉ được phép tuyển sinh 2 lớp 10 với vỏn vẹn 25 học sinh; địa điểm ở số 1, đường số 20, khu đô thị mới Him Lam, phường Tân Hưng được phép tuyển sinh 3 lớp 10 với 46 học sinh.
Trường TH-THCS và THPT Quốc tế Á châu tuy được giao chỉ tiêu tuyển 30 lớp 10 với 600 học sinh, thì địa điểm ở số 226A Pasteur, phường Xuân Hòa chỉ được tuyển sinh 1 lớp với số lượng 20 học sinh; địa điểm tại số 29-31 Trần Nhật Duật, phường Tân Định được phép tuyển sinh 2 lớp 10 với tổng số 40 học sinh. Trường TH-THCS và THPT Quốc tế TIS ở số 305 Nguyễn Trọng Tuyển, phường Phú Nhuận là căn nhà rộng khoảng 8m, xây cao tầng được tuyển 3 lớp 10 với 65 học sinh…
Đặc biệt, trong danh sách các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh, Trường THCS và THPT Nam Việt được cấp phép tới 450 chỉ tiêu tại cơ sở đào tạo ở số 25, 21/1-3 và 23/7-9 Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh. Địa chỉ này được treo bảng hiệu CLB thể thao - hồ bơi - sân tennis Trần Lâm ở cổng, nhưng phía trong đã được gắn biển tên Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam.
Hỏi bảo vệ tại đây về Trường THCS và THPT Nam Việt, bác bảo vệ khẳng định trường này đã chuyển đi từ lâu, còn chuyển đi đâu thì không rõ, nhưng tại đây vẫn còn treo biển hiệu của Trường THCS và THPT Nam Việt. Theo danh sách điểm trường được cấp chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 của Sở GDĐT, thì Trường THCS và THPT Nam Việt chỉ được phép tuyển sinh tại 3 cơ sở, gồm cả địa điểm đã trả mặt bằng trên và cơ sở tại quận Gò Vấp (cũ), và cơ sở tại quận 12 (cũ), với số lượng lên đến 1.110 học sinh.
Ngoài chuyện các trường sẽ quản lý chất lượng dạy, học như thế nào với những điểm trường bị “xé lẻ”, chỉ tiêu trên dưới 20 học sinh/lớp, các trường mang danh quốc tế thu mức học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm còn có thể nói chuyện trang trải. Ngược lại, trường có mức học phí “nội” với các khoản thu trên dưới 10 triệu đồng/tháng liệu có đủ chi phí hay không là vấn đề đã thấy rõ. Đây cũng là lý do các trường tư thục không thể có tích lũy để tăng nguồn lực nhằm tái đầu tư cơ sở vật chất bài bản hơn trong những năm qua.
Ông P. (đề nghị giấu tên), một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục tại thành phố thừa nhận: Khu vực TP Hồ Chí Minh (cũ) có gần 100 trường tư thục bậc THPT, nhưng trong số này chỉ có khoảng 20% chủ trường mua được đất, tạo lập được cơ sở vật chất trường, lớp đúng nghĩa và chủ yếu là trường quốc tế, trường “nội” chất lượng cao thuộc các tập đoàn giáo dục, còn lại chủ yếu đi thuê nhà ở, đất trống, nhà xưởng, nhà văn phòng công ty để làm trường học.
Lý giải với chúng tôi vì sao nhiều trường chỉ được Sở GDĐT cho tuyển sinh có 20 học sinh mỗi lớp, ông P đặt câu hỏi: Phòng ngủ, phòng làm việc biến thành phòng học, sao có thể “nhét” 40 - 50 học sinh/lớp như ở trường công?
Trước chất vấn của chúng tôi rằng lớp ít học sinh như vậy, liệu các trường có dồn lớp để giảm chi phí hay không, những trường, điểm trường chưa được cấp phép hoạt động, chưa được cấp chỉ tiêu tuyển sinh liệu có tuyển sinh “chui” hay san sẻ học sinh qua để dạy hay không? Ông P. chỉ biết lắc đầu cho rằng, việc này phụ thuộc vào sự kiểm tra, giám sát của Sở GDĐT. Theo Luật Thanh tra sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, Thanh tra cấp sở sẽ không còn, vậy Sở GDĐT sẽ quản hoạt động giáo dục tư thục thế nào cũng là vấn đề cần được đặt ra.
Nói về vi phạm trong sử dụng đất ở, đất thương mại dịch vụ thay đất quy hoạch giáo dục của các trường tư thục, ông P. thẳng thắn: Chẳng có chủ nhà nào cho thuê nhà, đất để mở trường học lại sẵn sàng đi chuyển đổi các loại đất có giá trị trên thành đất giáo dục theo yêu cầu của chủ trường, do lo ngại tài sản bị giảm giá trị. Ngay cả khi nhà, đất thuộc sở hữu của chủ trường, thì việc chuyển đổi thành đất giáo dục cũng không đơn giản do phải phù hợp quy hoạch và muốn chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất cơ sở giáo dục lại càng khó hơn.