Nhà rông văn hóa và nhà rông truyền thống

Cố Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Ðăng Nhật, một trong những nhà dân tộc học hàng đầu từng chia sẻ: Thực tế, hầu hết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều có nhà cộng đồng nhưng không giống nhau đồng loạt. Chúng ta không thể đồng nhất các kiểu nhà cộng đồng và áp đặt cho mọi dân tộc, bất kể nhà cộng đồng 'mẫu' này có khác kiểu nhà cộng đồng truyền thống của họ ra sao. Làm như vậy, vô hình trung, ta đã làm một việc tưởng là tốt đẹp là đem đến cho đồng bào một kiểu nhà cộng đồng mà mình tự thấy hấp dẫn, nhưng chưa tính đến đặc điểm, bản sắc văn hóa, áp đặt văn hóa bên ngoài cho tộc người mình chăm sóc.

Chúng ta cần phải hiểu đúng những giá trị đích thực của mô hình văn hóa này trong đời sống xã hội đồng bào thiểu số Trường Sơn-Tây Nguyên để có cách ứng xử sao cho phù hợp. Nhà cộng đồng chính là “ngôi nhà thiêng” của cả cộng đồng người.

Xin đơn cử cách làm của một huyện ở Tây Nguyên với nhà làng - một loại nhà cộng đồng của địa phương này: Ngành văn hóa khuyến khích người dân treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, bằng công nhận làng, thôn văn hóa. Ngoài ra, các phương tiện trang bị âm thanh, tủ sách, máy chiếu video, sinh hoạt câu lạc bộ... được ngành vận động nhân dân xây dựng riêng ở khu vực bên cạnh nhà làng, vừa để giữ vững được nguyên giá trị truyền thống của nhà làng, đồng thời có nơi sinh hoạt văn hóa mới thuận tiện cho nhân dân.

Tại đây, việc xây dựng nhà cộng đồng do dân làng tự quyết định, đóng góp công sức, phân công lao động dưới sự điều hành của già làng... Về phần địa phương, tỉnh và huyện hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình thi công nhà làng. Một lãnh đạo huyện cho biết: “Nếu việc xây nhà làng do nhân dân tự quyết định, góp công sức, thì công trình đó thật sự là tài sản chung của cộng đồng làng, họ có trách nhiệm, bảo vệ, gìn giữ”. Thái độ đó khác với cách nhìn của đồng bào với “nhà rông văn hóa nhà nước”.

Cố Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Ðăng Nhật khẳng định: “Nhà rông văn hóa không thể thay thế hoàn toàn nhà rông cổ truyền. Ðây là một mô hình văn hóa truyền thống, có ý nghĩa linh thiêng nhất trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc thiểu số, không thể đồng nhất với nhà văn hóa, thư viện, nơi chiếu phim...

Xây dựng nhà cộng đồng với tầm nhìn toàn cục là nhằm vào chiến lược phát triển ổn định và bền vững ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. Và, sự phát triển bền vững mỗi làng cũng như toàn khu vực này cũng chính là từ nền tảng vững chắc của nhà cộng đồng. Do đó, đồng thời với việc xây nhà cộng đồng, cần quan tâm củng cố và phát triển làng, bảo đảm sự điều hòa tự nhiên của các thành tố cơ bản là cộng đồng sở hữu tài nguyên, cộng đồng văn hóa, cộng đồng tín ngưỡng với sự điều hành của già làng bằng luật tục”. Lập luận của ông là một lập luận khoa học hoàn toàn đúng.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nha-rong-van-hoa-va-nha-rong-truyen-thong-221828.html