Nhà sử học Brazil: Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những tổ chức chính trị lâu đời, có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Á
Nhà sử học, nhà báo Brazil De Oli đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như các chiến lược đổi mới, phát triển của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), nhà sử học, nhà báo Brazil De Oliviera khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, là một trong những tổ chức chính trị lâu đời và có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Á.
Đề cập tới quá trình ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà báo De Oliviera đề cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Ông De Oliviera, cũng là Tổng Thư ký Hội hữu nghị Brazil-Việt Nam, nhắc lại những chiến công hiển hách của quân đội và nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh bại quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu" năm 1954 và quân đội Mỹ trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong chặng đường tái thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh, ông De Oliviera đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đề ra chính sách Đổi mới được thực hiện từ năm 1986. Đây là công cuộc cải cách kinh tế nhằm chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung, kế hoạch hóa sang mô hình kinh tế thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Theo nhà báo Oliviera, nhờ những nỗ lực thực hiện Đổi mới trong gần 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,09%, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 476,3 tỷ USD. Ngày nay, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Oliviera cũng đánh giá cao những chính sách đang thực hiện trong thời gian gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ bằng chuyển đổi số trong hành chính công, cắt giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Nhà báo De Oliviera đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN, thúc đẩy hội nhập khu vực, giải quyết xung đột và hợp tác kinh tế. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN vào các năm 1998, 2010 và 2020, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong hội nhập kinh tế, Việt Nam theo đuổi nhiều hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tăng cường quan hệ kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông De Oliviera cũng khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014, thể hiện cam kết đối với an ninh thế giới.
Đề cập tới quan hệ giữa hai nước, ông De Oliviara đánh giá tích cực kết quả chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Brazil Luciana Santos, người đồng thời là Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, với việc xây dựng các thỏa thuận hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và tạo cơ hội để Tập đoàn VINFAST mở nhà máy sản xuất ô tô điện tại Brazil.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil và dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối năm 2024, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh, cũng như Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Brazil tại khu vực Đông Nam Á.