Nhà thơ Hữu Thỉnh 'mở trận Điện Biên Phủ bằng văn chương'
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét với trường ca 'Giao hưởng Điện Biên', nhà thơ Hữu Thỉnh đã một mình mở một trận Điện Biên Phủ bằng văn chương
Ngày 17-4 tại Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ra mắt trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên" nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tác phẩm được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ (7-5-2023) và sau gần 1 năm, tác phẩm này được hoàn thành (20-3-2024) với nhiều tâm huyết, trí tuệ và cả tinh thần trách nhiệm.
Trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên" gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ vào dịp đầu xuân Tân Tỵ - 2001, ông có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam lên trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội tặng tác phẩm "Điện Biên Phủ" - điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.
"Đại tướng rất vui nói với chúng tôi đại ý cuốn sách được Hội Nhà văn trao giải thưởng chắc sẽ có thêm nhiều người tìm đọc. Trước lúc ra về, tôi được Đại tướng trao tặng tập hồi ức nói trên và nói vui "Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí". Hơn hai mươi năm đã qua kể từ ngày đáng ghi nhớ ấy. Tôi đã nhiều lần đọc lại tác phẩm nổi tiếng của Đại tướng. Tác phẩm đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi.
Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia và chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về võ công oanh liệt của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm. Tôi đã viết thư xin phép gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Hữu Mai và được chấp thuận"- nhà thơ Hữu Thỉnh cho hay.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" là một tác phẩm kỳ vĩ. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã hồi sinh, khái quát lại và lan tỏa các sự kiện đầy hào hùng…
"Tôi đã đọc vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vừa hứng thú để xem rằng chiến thắng lừng lẫy trong thi ca mang vẻ đẹp gì. Tất cả các sự kiện, địa danh, nhân vật được tái hiện sinh động, sâu sắc, kỳ vĩ, như được sống trong năm 1954 đầy hào hùng, mang lại không chỉ giá trị lịch sử mà còn cả thi ca bằng những câu thơ đẹp, xúc động và sâu sắc, có sức lan tỏa". "Đây là tác phẩm độc đáo, quan trọng, chứa nhiều ý nghĩa nhân sự kiện trọng đại khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ
GS Phong Lê nhận định người thành công ở trường ca không nhiều, thơ, trường ca chính là khu vực mà nhà thơ Hữu Thỉnh chiếm lĩnh ở vị trí cao. Tác phẩm này nối dài thêm những thành tựu lớn đáng nể trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông khẳng định giá trị lớn nhất của "Giao hưởng Điện Biên" là pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Nhà thơ Hữu Thỉnh không kém một nhà chép sử, bởi tác giả gần như không để sót một sự kiện, diễn biến, địa danh, nhân chứng, tên đất, tên người có liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ". "Với trường ca này, tác giả đưa người đọc trải qua nhiều tâm thế, tâm trạng, ấn tượng là tình đồng đội, quân dân, tiền tuyến hậu phương,... nhân rộng, kết tinh thành tình yêu nước như một phẩm chất ưu trội trường tồn trong tâm thức Việt. "Đọc tác phẩm, tôi như gội trong niềm tự hào dân tộc" - GS Phong Lê xúc động chia sẻ.
Theo nhà thơ Hữu Việt, những năm gần đây, dường như không ai dám viết trường ca. Ông đánh giá đây là tập thơ vô cùng quan trọng trong dịp đất nước kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời cũng khẳng định nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn là số 1 trong nền văn học Việt Nam khi viết trường ca.
Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định với trường ca này, nhà thơ Hữu Thỉnh trở lại với tuổi 28 – khi viết trường ca đầu tiên "Sức bền của đất". "Nhà thơ Hữu Thỉnh đã một mình mở một trận Điện Biên Phủ bằng văn chương" - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bình luận.