Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, lòng ta rơm rạ quê nhà

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, thường được thi hữu, bạn yêu thơ gọi bằng danh xưng 'Kiên Lục bát' vừa tái xuất với 2 tác phẩm: Người trong cửa chữ (lý luận phê bình văn học) và Trong một căn chiều (thơ lục bát).

Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên

Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên

Thơ Nguyễn Thế Kiên chủ yếu là lục bát. Nhà văn Mai Tiến Nghị - văn nhân đồng hương với anh, từng tự hào khi vùng đất Nam Định sau Nguyễn Bính có hai “hậu duệ” lục bát là Phạm Công Trứ và Nguyễn Thế Kiên.

Trong một căn chiều, NXB Thanh Niên, tháng 10/2024 gồm 62 bài thơ tuyền lục bát. Nhìn cái bản mặt Nguyễn Thế Kiên đã nhận ra lục bát. Anh thuộc về đồng quê thân thuộc, biết hát chèo, mê hát ả đào. Từ bé Nguyễn Thế Kiên đã nằm trên cái “nôi truyền thống”, lớn lên tâm hồn được tắm táp trên “dòng sông truyền thống”.

Gặp Nguyễn Thế Kiên, đọc thơ và cảm nhận văn chương của Nguyễn Thế Kiên, ngỡ như anh thuộc về cái hồn cốt dân tộc, được lục bát Việt Nam giao phó một “sứ mệnh” gì đó. Tạm gọi là bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị - dẫu cách gọi này dễ gặp nhan nhản trên báo chí, các diễn đàn, phát ngôn... đến mức “nhàm chán”.

Có điều, Nguyễn Thế Kiên khác biệt, anh nâng niu cái hồn cốt ấy bằng cách tạc lên bản thể của mình nhịp điệu và hồn Việt trong thể thơ 6/8.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: Thơ là mẹ của mọi loại hình văn học.

Ở thế kỷ 18, William Wordsworth - nhà thơ lãng mạn người Anh từng nói: Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng. Nó bất diệt như trái tim con người.

Thơ tồn tại bất diệt, mặc văn hóa đọc Việt Nam đang bị down xuống sàn cuộc sống, nhường chỗ cho vật chất là những thứ lòe loẹt, con người thời nay đang tự nguyện làm nô lệ. Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên nhận ra điều này, là nhà thơ, tự lòng trắc ẩn và sẻ chia trắc ẩn cùng các thi huynh, thi hữu. Những người làm cái nghề giải mã giấc mơ đang cay cực lắm.

Mong manh giữa cuộc vơi đầy
Yêu mờ mắt, mượn đắng cay chữa mình
Cô đơn vịn chữ đồng hành
Nhà thơ tự khác bằng thành thật yêu
(Nhà thơ)

Nhà thơ hơn ai hết nưng nức tâm hồn, giàu cô đơn, nghèo khó mà giàu sang. Từ cổ chí kim, từ tây sang ta, có lẽ chưa có nhà thơ đúng nghĩa nào sung túc về vật chất. Cơm áo không đùa với khách thơ (Xuân Diệu); họ có những thứ mà người đời không mua, dẫu được gạ: Ai mua trăng tôi bán trăng cho (Hàn Mặc Tử).

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên giao lưu thơ tại Nam Định. Ảnh: Ngô Đức Hành

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên giao lưu thơ tại Nam Định. Ảnh: Ngô Đức Hành

Với Nguyễn Thế Kiên, đó là những người: Lơ ngơ một mảnh giấy nhàu / Vẫn lăm lăm những bể dâu tự hành / Trăng còn sáng giữa lênh đênh / Thơ còn tự thác, tự ghềnh nhà thơ (Nhà thơ).
....
Tôi là sự thật riêng tôi
Trong câu thơ nháp muôn đời chưa xong
Thương muôn kiếp chữ ròng ròng
Vắt mình chuộc chính mình trong cuộc đời
(Chuộc chữ)

*
**

Nguyễn Thế Kiên làm người lấm láp cát đồng, đầm đìa hồn quê. Bạn đọc dễ dàng nhận ra anh ở Người trong cửa chữ. Hồn vía làng được anh tạc trong những bài thơ Chiều làng dưới bóng ca dao, Trăng quê, Gặp lại rạ rơm, Chuyện quê với phố, Gửi em một sông thu, Từ kiếp lúa, Gửi người phía biển, Mắt quê, Mục đồng già....

Không ai bứng được anh ra khỏi làng, không ai phẫu thuật được làng ra khỏi tâm hồn anh. Xa quê lên Hà Nội lập nghiệp, nhưng hình bóng quê luôn rấm rứt trong tâm hồn, giấc mơ Nguyễn Thế Kiên.

.../Ước mơ gieo biếc đồng nhà / Lúa khoai trổ giữa mặn mà gió sương / Bên đình câu nhớ câu thương / Hồn tre pheo vẫn rợp đường nhân sinh (Chiều làng dưới bóng ca dao).

.../Ta ngồi mở ký ức rêu / Nhà ta cối đá ao bèo chưa nguôi / Từ bi xanh lối chân người / Ngõ thơ kẽo kẹt ấm lời ru xa (Gặp lại rạ rơm).

Nguyễn Thế Kiên xác tín mình ở phía rạ rơm, Lòng ta rơm rạ quê nhà. Cánh đồng, mom sông, khói bếp, ao bèo, cối đá, cánh diều, bờ đê... những hình ảnh thân thương rất đỗi quê mùa nhưng luôn luôn nằm trong trái tim của những người sinh ra, lớn lên nhờ ruộng đồng.

Đó cũng là những thành tố đại diện cho đời sống nông dân, đại diện cho làng quê Bắc Bộ. Trong lục bát Nguyễn Thế Kiên về làng, về cố thổ luôn nhức nhối. Nông thôn mới ào ạt như một cơn lốc sao chép đã làm cho bản sắc làng quê Việt biến mất. Còn đâu Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm.../ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm? (Đi giữa đường thơm, thơ Huy Cận). Cứ đà này chắc làng quê Việt truyền thống cả diện mạo thực thể, diện mạo tinh thần chỉ còn trong ký ức rêu!

Lục bát là thể thơ thuần Việt, gắn bó và song hành cùng với văn lúa nước. Thật vậy, từ xa xưa, cha ông ta đã sáng tạo nên ca dao, tục ngữ... Đầu tiên là những nội dung liên quan đến công việc nhà nông; truyền khẩu về đạo lý, tình người. Hay nói cách khác, thơ lục bát đã tồn tại từ lâu đời và trở nên phổ tại Việt Nam.

Gần như đã là người Việt Nam, ai cũng có thể sáng tạo nên hai câu vần vè... kiểu lục bát. Nhắc đến lục bát, người Việt Nam nhớ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, người yêu thơ nhớ đến Huy Cận, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn... Nguyễn Thế Kiên, nhà thơ thế hệ 7X, đến với lục bát với tâm thế kính trọng nhưng lao động ngôn ngữ nghiêm cẩn, sáng tạo.

Trong tập Trong một căn chiều, ngoài những bài thơ về làng quê, dễ nhận diện từ tên thi phẩm; phần lớn các bài khác siêu thực, vô thức. Mắc lại mé chiều, Chuộc chữ, Nhiệm nở, Miền không nói, Trong này, Nhận diện, Trong cõi mùa em...

...

Trong này xếp những dọc ngang
Ba nghìn thế giới thênh thang gió chiều

Đằm đằm chín nẻo đường yêu
Ta chung thủy với rất nhiều mùa qua
(Trong này)

Đọc thoáng qua Trong này, dễ bị “mắc bẫy” đó là một bài thơ tình, bởi có nhân vật em: Em trong một cữ tần ngần / Hái ta hết thuở thanh xuân rồi tàn. Tuy nhiên, ngẫm sẽ ngộ ra có một tầng vỉa khác. Con chữ của Nguyễn Thế Kiên trong lục bát, không chỉ khác biệt ở các ký tự như căn chiều, cửa nhớ, chuộc mùa... mà còn ở tầng vỉa khác, nấp phía sau ký tự.

Trở lại với bốn câu lục bát vừa trích dẫn trong bài thơ Trong này, người đọc có quyền nghĩ đến tâm thức ngổn ngang của nhà thơ với quê hương, đất nước; những suy tư, ưu tư... trước những hiện thực đang bị đày đọa, bóc ngắn cắn dài, làm biến thái, lắm chứ?

Nhà văn, tiến sỹ văn học Ngô Tự Lập cho rằng, mỗi bài thơ là một ký hiệu vật chất mà tác giả sử dụng nó nhằm kích hoạt một vùng ký ức nào đó ở những độc giả tiềm năng. Ông cũng cho rằng hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ phụ thuộc vào ký ức của người đọc.

Lục bát Nguyễn Thế Kiên giàu tự sự, nếu người đọc có “vùng ký ức”, hiểu được các ước lệ của mỹ cảm. Suy cho cùng, vần điệu và thể thơ thông báo cho người đọc rằng, họ cần phải đọc văn bản với tư cách nhà thơ. Trời xanh chả lẫn bao giờ / Chỉ ta lạc cõi ta mờ mịt thôi (Chín ngộ).

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên (phải) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ Trong một căn chiều. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên (phải) tặng nhà thơ Ngô Đức Hành tập thơ Trong một căn chiều. Ảnh: NVCC

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Thế Kiên cho rằng, thơ hôm nay đang dịch chuyển, hướng vào những tầng thức sâu kín của kiếp nhân sinh. Mặt khác phải trí tuệ hơn, giàu cảm xúc hơn, có thể mới tương tác, chia sẽ được với cuộc sống hôm nay. Từ cách nhìn ấy, ngay với lục bát Nguyễn Thế Kiên, quan sát, người đọc nhận thấy, thơ anh không chỉ biến hóa về hình thức mà còn ẩn dụ về thông điệp.

Ta còn sót lại tháng ngày
Rót ta vào những trả vay một mình
Ta làm cả cuộc phù sinh
Bể dâu xong lại yên bình đấy thôi
(Ta còn sót lại tháng ngày)

Nếu tính từ năm 2007, Nguyễn Thế Kiên trình làng tập thơ Gọi hồn quê, 17 năm qua, chỉ có 4 năm (2009, 2017, 2019, 2021) anh không in, còn lại năm nào cũng có tác phẩm xuất bản; có 4 năm hạ sinh cùng lúc 2 tác phẩm (2018, 2022, 2024).

Nguyễn Thế Kiên là người cường chữ, lao động miệt mài. Đến nay Nguyễn Thế Kiên đã có 17 tác phẩm, cả hai thể loại, thơ và lý luận phê bình.

Tầng cảm trong lục bát Nguyễn Thế Kiên thấp thoáng bóng dáng của vẻ đẹp triết học luân hồi, phù sinh./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-tho-nguyen-the-kien-long-ta-rom-ra-que-nha-a27390.html