Phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn

Chiều 2/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo 'Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn'.

Quang cảnh Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn”.

Quang cảnh Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn”.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các tỉnh, các ban, sở, ngành cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, Lạng Sơn có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, khí hậu phong phú, đặc trưng; bản sắc văn hóa độc đáo; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với trên 280 lễ hội; trong đó nhiều di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO công nhận và ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, vừa qua, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu thẩm định, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO... Đây là những lợi thế lớn của tỉnh trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, từ đó, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn.

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút khách. Tỉnh cũng đã dành nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hiện toàn tỉnh có tổng số hơn 300 cơ sở lưu trú với 4.072 buồng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao với tổng số 421 buồng, còn lại là các loại hình lưu trú du lịch đủ điều kiện tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Nguồn nhân lực du lịch có khoảng trên 8.500 lao động, trong đó có khoảng trên 4.400 lao động trực tiếp đã được đào tạo cơ bản. Cùng với đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng, hình thành nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn...

Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2023 đạt 3,92 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 34.500 lượt, doanh thu ước đạt 3.135 tỷ đồng, đóng góp 4,8% GRDP toàn tỉnh. Ước tính năm 2024, Lạng Sơn đón khoảng 4,21 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng...

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, việc phát triển ở một số địa phương còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được các chương trình du lịch đặc thù riêng có sức cạnh tranh cao… Tỉnh xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, do đó địa phương đã và đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách, giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển du lịch...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, Lạng Sơn là một tỉnh địa đầu biên giới của Tổ quốc có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, du lịch Lạng Sơn đã dần khẳng định được thương hiệu của mình trong thị trường du lịch của đất nước. Dù vậy, thương hiệu này chưa thực sự mạnh, chưa tương xứng với tài nguyên và nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn thông qua việc xây dựng thương hiệu các điểm đến đặc trưng. Việc xúc tiến xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn là công việc đặc biệt quan trọng và cần thiết giúp cho du lịch Lạng Sơn phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Bích Hạnh, hiện nay food tour (du lịch ẩm thực) đang là xu hướng của giới trẻ và cũng là nhu cầu của hầu hết các khách du lịch khi đến mỗi địa phương. Lạng Sơn không những là một trong những tỉnh có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là địa phương có các món ăn ngon nổi tiếng gần xa. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch food tour - sản phẩm du lịch mới, có sức lan tỏa, thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị ẩm thực, đặc sản của Lạng Sơn, thúc đẩy xu hướng food tour, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi về với xứ Lạng.

Tin, ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/phat-trien-xay-dung-thuong-hieu-du-lich-lang-son-20241202181754120.htm