Nhà Trắng giải thích việc Nga không nằm trong danh sách thuế quan mới
Trong một bài phát biểu gây chú ý tại Nhà Trắng hôm 2.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp dụng thuế quan trả đũa toàn diện nhằm vào hơn 180 quốc gia, trong đó có cả nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Newsweek, điều đáng chú ý là Nga lại không nằm trong danh sách này, dù nước này vẫn đang đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Nhà Trắng hôm 2.4 - Ảnh: AFP
Nhà Trắng nói gì?
Trả lời phóng viên Jasmine Wright của báo NOTUS, một quan chức Nhà Trắng cho biết “thương mại giữa Mỹ và Nga gần như không còn tồn tại” do các lệnh trừng phạt toàn diện đã được áp đặt từ năm 2022 khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
“Nói cách khác, các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc chiến Ukraine đã khiến thương mại song phương với Nga gần như bằng 0”, vị quan chức nói.
Dù vậy, điểm đáng chú ý là Ukraine, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, vẫn nằm trong danh sách và sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 10%. Các quốc gia từng thuộc Liên Xô, như Kazakhstan hay Armenia, cũng không nằm ngoài danh sách thuế mới của ông Trump.
Một số quốc gia khác cũng không bị đưa vào diện áp thuế, bao gồm Belarus, Cuba và Triều Tiên - đều là những nước đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ. Tuy nhiên, Iran và Syria, cũng bị cấm vận nặng nề, lại bị áp thêm thuế mới, là 10% và 40%.
Giới chức Mỹ cho biết các tiêu chí áp dụng thuế quan lần này không hoàn toàn dựa vào tình trạng hiện tại của quan hệ thương mại, mà còn tính đến mức độ hợp tác hoặc đối đầu trong các vấn đề chiến lược, đặc biệt liên quan đến Nga.
Nga và sức nặng của lệnh trừng phạt
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên nền kinh tế Nga. Các biện pháp này không chỉ nhằm vào các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, công nghệ và quốc phòng, mà còn đánh trực tiếp vào những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hàng loạt tài sản của giới tài phiệt Nga đã bị đóng băng, các ngân hàng lớn bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, và nhiều loại công nghệ quan trọng không còn được xuất khẩu sang Nga. Kết quả là thương mại Mỹ - Nga gần như tê liệt, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu của chính quyền Moscow.
Liên minh châu Âu (EU) đã gọi đây là “gói trừng phạt chưa từng có tiền lệ”, trong khi Nga đang tìm cách tháo gỡ áp lực bằng cả con đường ngoại giao lẫn việc thiết lập các kênh thương mại thay thế.
Thuế quan thứ cấp - một hướng tiếp cận khác
Dù không áp thuế trực tiếp với Nga, ông Trump tuyên bố đang xem xét các biện pháp thuế quan thứ cấp. Cụ thể, Mỹ có thể áp mức thuế cao đối với các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm khác từ Nga.
Phát biểu với NBC News hôm 31.3 ông Trump khẳng định nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến Ukraine, ông sẽ áp dụng thuế từ 25% đến 50% đối với dầu của Nga. “Nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn sẽ không được kinh doanh với Mỹ”, ông nói.
Đề xuất này tương tự cách tiếp cận của một dự luật lưỡng đảng tại thượng viện, với sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ từ cả hai đảng. Dự luật đề xuất áp thuế 500% với hàng hóa từ các nước tiếp tục mua dầu và khí đốt từ Nga, qua đó gây áp lực lên các nước đang giữ thái độ trung lập hoặc vẫn hợp tác thương mại với Moscow.
Ai sẽ bị ảnh hưởng?
Chiến lược thuế quan thứ cấp nếu được thực thi sẽ tác động đến nhiều quốc gia đang giữ quan hệ thương mại năng lượng chặt chẽ với Nga. Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số thành viên của Liên minh châu Âu như Hungary, Slovakia và Czech đều có thể nằm trong vòng bị ảnh hưởng.
Giới phân tích nhận định, chính sách này không chỉ nhắm tới Nga mà còn nhằm làm suy yếu các kênh trung gian giúp Moscow né tránh lệnh trừng phạt hiện hành.
Dù Mỹ đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu thô từ Nga từ tháng 4.2022, nhiều nước khác vẫn tiếp tục mua vì giá cả, nhu cầu nội địa hoặc lý do chiến lược riêng.
Theo Giáo sư Jun Du tại Trường Kinh doanh Aston (Anh), thuế quan thứ cấp có thể là công cụ hiệu quả để duy trì hệ thống trừng phạt, bằng cách ngăn các quốc gia hoặc công ty chuyển hướng hàng hóa sang Nga thông qua mạng lưới bên thứ ba.
“Điều này có thể làm tăng chi phí kinh doanh với Nga, củng cố hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện tại, buộc các nước khác phải cân nhắc lại quan hệ thương mại với Moscow”, ông nhận định.
Việc ông Trump lựa chọn đánh vào các đối tác thương mại của Nga thay vì Nga trực tiếp là một chiến lược có tính toán. Thay vì củng cố đối đầu, nó tạo ra áp lực kinh tế gián tiếp nhưng vẫn hiệu quả 0 buộc các nước phải cân nhắc lại việc hỗ trợ tài chính cho Nga thông qua nhập khẩu năng lượng.
Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, mọi động thái về thuế, trừng phạt hay viện trợ từ các cường quốc đều có thể ảnh hưởng lớn đến cục diện. Dù lý do chính thức là “không có giao thương”, việc Nga không bị liệt kê trong danh sách thuế quan lần này vẫn gây tranh cãi.
Một số nhà lập pháp Mỹ lo ngại ông Trump đang để ngỏ cửa đàm phán với Nga bằng cách không gây thêm sức ép ngay lập tức - điều có thể làm suy yếu thế mặc cả của Ukraine trên bàn đàm phán.