Nước nào sẽ đáp trả thuế quan của ông Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng khiến thị trường tài chính quay cuồng, do lo ngại xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Viện dẫn Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế 1977 (IEEPA), Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/4. Việc ông Trump nhắm vào hệ thống thương mại toàn cầu gây ra phản ứng dữ dội ngay lập tức, một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hứa hẹn thực hiện biện pháp đối phó.

Theo New York Times, về cơ bản Nhà Trắng xác nhận công thức tính mức thuế dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia nước ngoài, chia cho kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Thuế quan của ông Trump theo quốc gia

Liên minh châu Âu bị áp mức thuế 20%, trong khi Vương quốc Anh bị đánh thuế 10%. Tương tự, Trung Quốc được chỉ định 34% trên mức thuế 20% mà ông Trump áp đặt đôí9 với hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1. Việt Nam bị đánh thuế ở mức 46% và Thái Lan 36%.

Mexico và Canada - hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ cùng một số nước láng giềng trực tiếp không nằm trong danh sách thuế quan đối ứng của ông Trump. Tuy nhiên, tất cả mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ không thuộc hiệp ước thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đều phải đối mặt với mức thuế 25%.

Thuế quan đối ứng sẽ không áp dụng ở một số mặt hàng như đồng, chất bán dẫn, năng lượng và "một số khoáng sản không có sẵn ở Mỹ".

Biểu thuế đối ứng cũng có thể thay đổi. Theo tài liệu của Nhà Trắng, thuế quan có thể mang ra đàm phán với đối tác thương mại muốn khắc phục thỏa thuận thương mại không có đi có lại.

Tổng thống Trump cho hay: "Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta bị cướp bóc bởi những quốc gia gần và xa, kể cả bạn bè hay kẻ thù. Nhà lãnh đạo nước ngoài cũng lấy đi công việc của chúng ta. Những kẻ gian lận nước ngoài tiến hành lục soát nhà máy và xé nát giấc mơ của Mỹ".

Cùng thời điểm, ông Trump tuyên bố tạo ra bước ngoặt trong lịch sử Mỹ.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: "Ngày 2/4/2025 sẽ được mọi người nhớ đến là ngày ngành công nghiệp Mỹ tái sinh, ngày vận mệnh của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ tính phí trong khoảng một nửa số tiền mà họ đang tính phí cho chúng tôi. Vì vậy, thuế quan sẽ không hoàn toàn có đi có lại. Tôi có thể làm điều đó, tôi đoán vậy, nhưng nó sẽ rất khó khăn đối với nhiều quốc gia. Chúng tôi không muốn làm điều đó".

Các quốc gia nói gì?

Trong vòng vài phút sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế đối ứng, nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bắt đầu tố cáo Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích”, đáp trả “sự bắt nạt của Mỹ”. Mức thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc đang ở mức 54%.

Trong khi đó, Bắc Kinh không nói họ sẽ áp đặt biện pháp đối phó trả đũa: "Mỹ đã rút ra cái gọi là 'thuế quan đối ứng' dựa trên đánh giá chủ quan và đơn phương, điều này không phù hợp với quy tắc thương mại quốc tế".

Bắc Kinh kêu gọi chính quyền ông Trump hủy bỏ thuế quan và "giải quyết vấn đề với đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng".

Tương tự, Đài Loan tuyên bố thuế quan của ông Trump là "không hợp lý". Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố thuế quan của Mỹ "không phải là hành động của một người bạn" và "hoàn toàn không chính đáng".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng phản ứng với mức thuế 20% mà Mỹ áp lên EU và gọi hành động này là "cú đánh lớn vào nền kinh tế thế giới".

Bà Ursula von der Leyen nói: "Hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với hàng triệu người trên toàn cầu. Các cửa hàng tạp hóa, phương tiện giao thông và thuốc men sẽ tốn kém hơn".

Vàng hiện giới đầu tư ưa chuộng. (Ảnh: KT)

Vàng hiện giới đầu tư ưa chuộng. (Ảnh: KT)

Ngay cả Canada, quốc gia được miễn thuế quan mới nhất cũng tham gia vào làn sóng chỉ trích chính sách thuế quan mới ông Trump.

Thủ tướng Canada Mark Carney viết trên mạng xã hội: "Chúng ta phải hành động có mục đích. Chính phủ của tôi sẽ chống lại thuế quan của Mỹ".

Quốc gia nào sẽ đáp trả?

Vì thuế quan đối ứng sẽ có hiệu lực sau ngày 9/4 nên các quốc gia sẽ có 6 ngày để thỏa thuận với nhóm ông Trump, nhưng một số quốc gia khác vẫn có thể phản ứng bằng chính sách thuế quan trả đũa.

Canada là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ, cam kết đáp trả thuế quan bằng biện pháp trả đũa. Trong khi đó, Liên minh châu Âu "sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại" với Mỹ và có thể "tấn công dịch vụ trực tuyến".

Người phát ngôn chính phủ Pháp Sophie Primas thông tin EU đang chuẩn bị phản bác mức thuế của Mỹ thông qua hai giai đoạn. Phản ứng ban đầu sẽ đưa ra vào khoảng giữa tháng 4, liên quan đến nhôm và thép. Sau đó, EU sẽ nhắm mục tiêu lên "tất cả sản phẩm và dịch vụ" vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang được thảo luận.

Tờ Al Jazeera dẫn nguồn tin tiết lộ thêm: "Trung Quốc có thể đưa ra một số hình thức trả đũa Mỹ".

Nhiều quốc gia sẽ đàm phán

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết bà sẽ tránh theo đuổi thuế quan có qua có lại. Tương tự, Thủ tướng Anh Keir Starmer loại trừ việc trả đũa ngay lập tức, hứa hẹn giữ "cái đầu lạnh trong những ngày tới".

Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cũng nói với Hạ viện rằng London đang đàm phán với Washington để tránh hoặc giảm thuế quan của quốc gia này.

Ở châu Á cũng vậy, rất ít quốc gia sẵn sàng đối đầu với ông Trump để tránh nguy cơ bị "trả thù" thêm. Ngoài Trung Quốc, "rất nhiều thị trường châu Á khác không thực sự muốn trả đũa", do "tầm quan trọng của Mỹ".

Giám đốc điều hành bộ phận vĩ mô toàn cầu của TS Lombard ở London, ông Dario Perkins cũng đồng ý và cho biết hầu hết quốc gia trên thế giới sẽ ủng hộ "đòn bẩy chính sách khác" thay vì thuế quan trả đũa.

Ông Dario Perkins nói: "Tôi nghĩ ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất để cố gắng thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu sẽ yếu hơn rất nhiều và chuỗi cung ứng quốc tế bị rút ngắn. Kỷ nguyên đa phương đang chết dần".

Thị trường phản ứng như thế nào?

Thị trường từ Mỹ đến châu Á đều sụt giảm khi nhiều nhà đầu tư chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ nhất đối với chủ nghĩa bảo hộ của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ những năm 1930. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 2,6% vào ngày 2/4, dự báo trước khoản lỗ ngắn hạn của nhiều công ty Mỹ.

Vào ngày 3/4, chỉ số DAX của Đức giảm 1,7%. Trong khi CAC 40 ở Paris giảm 1,8% và FTSE 100 của Anh mất 1,2%.

Trong giao dịch ở châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 4% trong thời gian ngắn vào ngày 3/4, nhiều nhà sản xuất ô tô và ngân hàng bị ảnh hưởng nặng.

Khi chứng khoán toàn cầu giảm, nhà đầu tư đổ xô mua vàng - tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động. Giá kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục 3.167,84 USD/ounce.

Những người tham gia thị trường dần lo lắng về việc tháo dỡ chuỗi cung ứng quốc tế và tác động của lạm phát, thậm chí là suy thoái, đặc biệt là ở Mỹ. Gần đây, Goldman Sachs nâng ước tính về khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới lên 35%, tăng từ mức 20%.

Cùng thời điểm, ngân hàng UBS lưu hành ghi chú mới và cho rằng "GDP thực tế của Mỹ vào năm 2025 có thể bị tổn hại 1,5 - 2% và lạm phát có thể tăng lên gần 5% nếu mức thuế này không sớm bị đảo ngược".

Kông Anh (Nguồn: AL JAZEERA)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nuoc-nao-se-dap-tra-thue-quan-cua-ong-trump-ar935618.html