Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Khép lại hành trình sáng tạo nhiều cung bậc cảm xúc

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị tại miền Nam trước năm 1975. Sự nghiệp của ông không chỉ gói ghém trong một thời, mà có một hành trình sáng tạo đa dạng và phong phú.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (1942-2023). Ảnh: CTV

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (1942-2023). Ảnh: CTV

Từ những ca khúc giục giã xuống đường

Đêm 27/12/1969, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng với các nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Phú Yên... đã cho ra mắt chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại khuôn viên Trường đại học Nông - Lâm - Súc sản Sài Gòn. Bài hát chính của chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” là ca khúc Hát cho dân tôi nghe do nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác.

Với tinh thần sôi sục và giục giã, ca khúc Hát cho dân tôi nghe đánh dấu sự dấn thân của một thế hệ trí thức trẻ: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang/ Hát cho sông không sâu, cho tiếng kêu đò thật gần/ Hát cho đêm qua lâu cô lái đưa người vào bờ/ Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương hồng thơm/ Hát vang danh Lam Sơn người cũng như mây lên non...”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập có quê nội ở Huế và quê ngoại Đà Nẵng. Ông sinh ngày 25/2/1942 tại Đà Nẵng nhưng lớn lên tại Huế. Thời niên thiếu ở cố đô, ông theo học nhạc với thầy Tôn Thất Tiết. Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Tôn Thất Lập là ca khúc Lời ca trên miền biển cả từng được danh ca Thái Thanh trình diễn vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Dù biết bản thân có sở trường viết tình ca, nhưng khi đó, nhạc sĩ Tôn Thất Lập quyết định rời bỏ niềm riêng bâng khuâng “Những thung lũng buồn ngủ suốt trong mưa/ Tiếng ca không còn miền đất dỗi hờn” để dồn sức cho thể loại nhạc tranh đấu.

Ngoài ca khúc Hát cho dân tôi nghe, nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn có nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần quật khởi cho những cuộc đời đang bị áp bức như Xuống đường, Người đợi người, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng... Ý thức dân tộc không chịu cúi đầu được nhạc sĩ Tôn Thất Lập thể hiện thành tiếng gọi tha thiết “Người đợi nhau qua cầu đổ nát/ Người đợi nghe nửa đêm Hòa Bình/ Lúa của anh thơm trên đồng xanh/ Lúa người nghèo nuôi dân cả nước/ Lúa một trăm năm nuôi quân kháng chiến/ Lúa còn đời đời đuổi giặc xâm lăng” không chỉ vang dội khắp cả nước mà còn nhận được sự đồng cảm của bạn bè quốc tế.

Trên báo Le Monde của Pháp số ra ngày 11/2/1972, nhà nghiên cứu văn hóa Mireille Garnel nhận định về những ca khúc tranh đấu của Tôn Thất Lập: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kìm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của “lối sống Mỹ” đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ họ được biết gương mặt của Hòa Bình”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập những ngày “hát cho dân tôi nghe”. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập những ngày “hát cho dân tôi nghe”. Ảnh tư liệu

Đến các nhạc phẩm đầy yêu thương, khát vọng

Sau ngày non sông thống nhất, nhạc sĩ Tôn Thất Lập bước vào hành trình mới ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước. Tiêu biểu nhất cho những sáng tác của ông trong giai đoạn này là ca khúc Trị An âm vang mùa xuân đầy khát vọng: “Một dòng nước trong hát câu chờ mong âm vang dòng sông/ Một tình nước non thắp trong lòng anh sáng trong lòng người/ Lặng nghe gió reo nhớ bao ngày qua ước mơ dạt dào/ Lặng nghe nước reo thắp trong lòng ta giấc mơ rực sáng/ Dòng điện âm vang từ triệu con tim/ Dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc/ Dòng điện mê say gọi ngày tương lai/ Dòng điện bao la gọi đời bay xa”.

Những năm đổi mới và hội nhập, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có hàng loạt ca khúc được công chúng yêu thích như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Tình anh, Tình yêu mãi mãi... Đặc biệt, ông là nhạc sĩ không còn trẻ nhưng lại được giới trẻ hâm mộ, vì những ca khúc đắm say. Trong đó, nổi bật có ca khúc Mưa thì thầm nôn nao “Mưa dịu dàng hàng cây đứng yên/ Mùa thu tới lá vàng nghiêng nghiêng/ Em dịu dàng tình anh bão bùng/ Tóc mây như trời gió lộng tình trăm năm” và ca khúc Trò chơi nhí nhảnh “Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này. Em ra mái tóc trói đời anh luôn/ Anh ra đôi tay vòng quanh em mãi/ Tình yêu đâu có ai trọng tài đâu”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập kết hôn với ca sĩ Liên Hương và có hai người con. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, vì vậy ông rất quan tâm đến lớp nhạc sĩ kế cận.

Những năm cuối đời, ông từng băn khoăn: “Là một người sáng tác, đúng nghĩa là một nghệ sĩ sáng tác thì mình phải có sự sáng tạo. Ngoài học tập, tích lũy vốn liếng về kỹ thuật, mỹ thuật âm nhạc thì phải lăn vào cuộc sống. Nghệ sĩ trẻ bây giờ lười đi vào thực tiễn cuộc sống, họ thích lướt facebook, đọc mạng. Sáng tác ở mảng đề tài nào cũng thế thôi, kể cả viết về tình yêu, đều cần bồi dày những cảm xúc hướng tác phẩm của mình tới chiều sâu. Các nhạc sĩ trẻ bây giờ sống rất vội vã và sáng tác cũng vội vã. Họ nắm kỹ thuật trên băng đĩa, trên internet, rồi đúc rút từ đó mà thiếu sự sáng tạo, trau dồi, thẩm mỹ riêng cho mình nên tác phẩm thiếu đi chiều sâu thực tiễn. Họ có được may mắn hơn chúng tôi thời xưa rất nhiều, được lớn lên tiếp xúc với âm nhạc, tiếp xúc với công nghệ mới, nền nghệ thuật của thế giới. Họ cũng rất thông minh, nhưng tiếc là họ sớm hài lòng với mình”.

TUY HÒA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/304583/nhac-si-ton-that-lap--khep-lai-hanh-trinh-sang-tao-nhieu-cung-bac-cam-xuc.html