Nhạc sỹ 'Bà tôi'xúc cảm với 5 mùa Sa Pa
“Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu” là nhạc phẩm mới của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Anh sáng tác năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa. Lần đầu tiên được nghe bản phối trên Youtube do chính Nguyễn Vĩnh Tiến thể hiện, tôi cứ mãi vấn vương giọng ca của chàng nhạc sỹ tài hoa cùng tiếng guitar phóng khoáng và đầy nội lực. Qua sự chắp nối của một chị đồng nghiệp, tôi có cuộc trao đổi đầy thú vị cùng tác giả của “Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu”.
Sa Pa ngày đông, không gian bàng bạc màu cổ tích. Ngồi bên bếp lửa hồng, trong căn phòng nhỏ thơm mùi gỗ sa mu, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến với lấy cây đàn guitar. Từng ngón tay dạo nhẹ trên phím đàn, thanh âm như những giọt sương rơi tí tách bên mái hiên, anh cất tiếng hát say sưa. Và rồi một Sa Pa mơ, một Sa Pa thơ, một Sa Pa đầy kỷ niệm lần lượt hiện ra qua những ca từ đầy xúc cảm.
Với Nguyễn Vĩnh Tiến, Sa Pa là một tri kỷ từ 30 năm ấy. Ngày ấy, khi còn là anh chàng sinh viên kiến trúc 20 tuổi, anh đã đến với thị trấn nhỏ tìm hiểu về kiến trúc bản địa. Ngày đầu đặt chân, anh đã vô cùng thú vị với miền đất lạ, say mê ngắm nhìn đỉnh núi cao nhất Đông Dương, nhà thờ đá, những ngôi biệt thự cổ thời Pháp, những bản làng người Mông bình dị và đặc biệt là vẻ đẹp của các loài hoa.
Và đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, với tình yêu sâu đậm mảnh đất xinh đẹp, sau này, anh còn rất nhiều lần xuyên đêm trên chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai rồi lại hối hả bắt xe ô tô để ngược, xuôi trên những cung đèo tìm gặp Sa Pa. Mỗi lần gặp là một lần thêm yêu, là sự tươi mới như thuở ban đầu. Vĩnh Tiến nhớ những điệu hát ngọt ngào, nụ cười duyên bên bếp lửa bập bùng và nhớ những ước mơ, hoài bão của một thời trai trẻ của anh cùng với các bạn đồng nghiệp tại Đại hội Các kiến trúc sư trẻ toàn quốc tụ hội tại Sa Pa về một Sa Pa ngày càng lộng lẫy, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.
Trong hành trình 30 năm nhớ thương, mỗi lần có dịp đến với mảnh đất mờ sương, anh lại dành thời gian trải nghiệm, kiếm tìm những vẻ đẹp riêng có. Anh đến thăm từng ngôi làng nhỏ, hòa vào những mùa hoa, những mùa lễ hội, thân quen đến mức mỗi hình ảnh ấy như là người bạn thân, là người yêu trong sâu thẳm tâm hồn. Để rồi khi đặt bút viết “Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu”, anh đã xúc cảm như tìm về bóng hồng trong mộng.
“Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu” được bắt đầu bằng lối kể chuyện tự sự: “Anh không biết em tên là gì. Anh không nhớ em ở đâu. Nhưng đêm nay, mình gặp nhau ở Sa Pa. Ôi Sa Pa…”. Câu chuyện cứ thế dẫn dắt người nghe đến với câu chuyện “hữu duyên” gặp gỡ giữa Sa Pa thơ mộng. Thoạt nghe, tôi những tưởng đó là cuộc gặp giữa một người nam và một người nữ, bởi cùng yêu mến Sa Pa mà trở nên thân thiết. Nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến nở nụ cười đầy thú vị, rồi hóm hỉnh: “Cô gái ở đây chính là cách nói ẩn dụ về một Sa Pa quyến rũ, mờ sương và nồng nàn trong men say văn hóa. Ai yêu cô ấy sẽ được tất cả và tôi có cảm giác được chạm vào tình yêu ấy. Khi cầm đàn và hát, tôi vẫn muốn tiếp tục tán tỉnh “cô ấy”, muốn chiếm hữu riêng “cô ấy”.
Quả thực, nghe và thấm từng câu, từng chữ trong “Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu”, ta mới biết Vĩnh Tiến đã luôn hướng tới “cô ấy” như thế nào. Bởi nếu là người chỉ nhìn ngắm Sa Pa hời hợt, chưa “lăn lộn” giữa đất trời Sa Pa thì làm sao có thể am hiểu từng sắc, từng màu riêng có theo mỗi mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông? Làm sao có thể biết đến những điệu múa chuông, nhảy lửa, múa xòe, tiếng đàn tính, rồi hoa mận trắng, hoa lay ơn thóc… những hình ảnh riêng có của núi rừng vùng cao!
Nhan đề “4 mùa hoa, 1 mùa yêu” cũng thật đặc biệt. Nguyễn Vĩnh Tiến trải lòng, 4 mùa thì nghe bình thường quá, bởi ngoài 4 mùa của đất trời, thì Sa Pa còn có mùa yêu - mùa của những lễ hội, sắc màu văn hóa. Đó như là sợi dây gắn kết tất cả Xuân, Hạ, Thu, Đông với cảm xúc ngập tràn. Anh hy vọng “1 mùa yêu” này sẽ là vĩnh cửu vì tính duy nhất của Sa Pa, của Fansipan, của những nét văn hóa bản địa Sa Pa.
Lãng đãng trong “Sa Pa 4 mùa yêu, 1 mùa hoa”, bên cạnh chất trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng, ta còn nhận thấy sự hóm hỉnh thể hiện ở ca từ phần điệp khúc: “Em đã hứa cho anh một ngọn núi, núi Phan xi păng. Em đã hứa cho anh cả con suối, suối Mường Hoa reo. Em đã hứa cho anh ruộng bậc thang, ngàn bậc thang…”. Không chỉ bởi nhạc điệu dồn dập của phần điệp khúc, mà bởi tình cảm, sự khát khao được ôm trọn vẻ đẹp của Sa Pa, khiến người nghe và chính tác giả như cảm thấy bùng nổ. Khi tìm được điệp khúc Nguyễn Vĩnh Tiến cứ muốn hãt mãi mê say.
Sau khi đưa người yêu nhạc qua mọi cung bậc cảm xúc với những sắc màu đặc trưng của vùng đất tươi đẹp dưới “nóc nhà Đông Dương”, lời hát thủ thỉ: “Leo đi anh, leo đi anh, mà tìm em, mà tìm về mùa yêu…”. Bài hát kết thúc đầy mời gọi, lắng sâu đủ để lại những cảm xúc thiết tha, để bao người chọn trở lại sau mỗi chuyến chia xa.
Bài hát giờ rất dễ tìm trên Youtube với giọng hát “chính chủ” và bản thu âm cũng như phần hình ảnh được chính nhạc sỹ quay bằng điện thoại. Giọng ca bên bếp lửa với phần thể hiện hát, đệm nhạc bằng guitar do chính người đã ôm ấp, thai nghén khiến bài hát trở nên rất đặc biệt, là “đặc sản Nguyễn Vĩnh Tiến”. Người hâm mộ không chỉ cảm hết vẻ đẹp của Sa Pa, mà còn thấm cả tình yêu Nguyễn Vĩnh Tiến dành cho vùng đất thương yêu suốt 30 năm. Tuy nhiên, chàng nhạc sỹ tài hoa chỉ nhận đó là “đặc sản” khiêm nhường thôi. Để chắp cánh cho nhạc phẩm, anh hy vọng nó sẽ được dàn dựng bởi một dàn nhạc công phu và với một giọng ca nam có sức biểu cảm mạnh hơn…
Đêm nay cũng như bao đêm đông khác, Sa Pa lạnh cóng với nền nhiệt vài độ C, sương buông mịt mùng. Trong căn phòng nhỏ thơm mùi gỗ sa mu, tiếng guitar vẫn dìu dặt yêu thương. Từng giọt thanh âm của “Sa Pa, 4 mùa hoa, 1 mùa yêu” đang thấm đẫm mây trời, như lời mời gọi bao người đến với Sa Pa - miền đất của hoa, của lá, của những mùa thương yêu.
Trình bày: Hoàng Thu
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhac-sy-ba-toixuc-cam-voi-5-mua-sa-pa-post379682.html