Nhầm lẫn về tấm ảnh thờ trong đình Liễu Tràng

Đình Liễu Tràng ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) thờ tứ vị thành hoàng, trong đó có một vị nhân thần là Thám hoa Lương Như Hộc - tổ nghề khắc in mộc bản Việt Nam.

Hình cụ Đặng Huy Trứ trong ban thờ cụ Lương Như Hộc ở đình Liễu Tràng

Hình cụ Đặng Huy Trứ trong ban thờ cụ Lương Như Hộc ở đình Liễu Tràng

Hiện trên ban thờ của đình có một tấm chân dung thờ rất rõ nét, được đặt trong một khung ảnh trang trí sơn son thếp vàng. Cụ thủ từ của đình cho biết đây là chân dung của cụ Lương Như Hộc – một trong 4 vị thành hoàng của làng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với anh Nguyễn Công Đạt, một người dân làng Thanh Liễu, nghiên cứu rất tỉ mỉ về nghề khắc in mộc bản ở Hồng Lục, Liễu Tràng, cũng như ông tổ của nghề thì được biết đó không phải là chân dung của cụ Lương Như Hộc. Theo anh Đạt, đó là chân dung của cụ Đặng Huy Trứ - ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Để chứng minh cho điều này, anh Đạt cho biết ngôi đình này được công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 1992. Bản thân anh Đạt đã xem hồ sơ công nhận di tích của ngôi đình thì không thấy có liệt kê tấm ảnh thờ trong các hiện vật lưu trữ ở đình thời điểm đó. Theo cụ thủ từ Phạm Văn Khôi thì tấm hình được một người con xa quê cung tiến cho đình từ khoảng 20 năm trước vì cho rằng đó là chân dung của cụ Lương Như Hộc.

Chúng tôi đã đối chiếu với các tài liệu khác nhau như trong cuốn sách “Tư tưởng triết học của Đặng Huy Trứ” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) hay trong phim “Đặng Huy Trứ - Tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam” của VTC… thì tấm hình là cụ Đặng Huy Trứ. Đó là bức chân dung truyền thần do Lý Thụy Nham vẽ ở Quảng Đông trong chuyến công vụ của ông sang nhà Thanh năm 1865. Vì vậy, có thể khẳng định, chân dung được thờ trong đình Liễu Tràng được cho là của cụ Lương Như Hộc thế kỉ XV là một sự nhầm lẫn và việc đưa chân dung vào thờ như vậy vừa không đúng quy định, vừa sai lệch về mặt lịch sử.

ĐÌNH SƠN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nham-lan-ve-tam-anh-tho-trong-dinh-lieu-trang-370954.html