Nhận diện các yếu tố định hình bức tranh kinh tế châu Á năm nay

Kinh tế châu Á năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để các quốc gia trong khu vực thích nghi và tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2024 là một năm khởi sắc cho các nền kinh tế châu Á, dù Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP phục hồi mạnh, nhờ xuất khẩu tăng cao, đặc biệt từ ngành bán dẫn, và nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện. Lạm phát giảm xuống mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương, tạo điều kiện để chính sách tiền tệ được nới lỏng từ tháng 8, hưởng lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên hạ lãi suất sau thời gian dài tăng kỷ lục để kìm lạm phát.

Bước sang năm 2025, kinh tế châu Á được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức. Quý I có thể vẫn được hưởng lợi từ nhu cầu cao với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xuất khẩu, nhưng từ quý II, tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân chính được cho bao gồm tác động từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình trạng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc và chu kỳ giảm tốc của ngành bán dẫn.

Triển vọng tăng trưởng 2025

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế châu Á được dự báo sẽ giảm nhẹ, xuống còn 4,4% vào năm 2025, chủ yếu do các điều kiện tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đưa ra dự báo tăng trưởng ở các thị trường mới nổi châu Á sẽ chậm hơn một chút. Tăng trưởng tại khu vực này sẽ dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa tại Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế ở một số thị trường phát triển.

 Ảnh toàn cảnh TP Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ảnh toàn cảnh TP Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Goldman Sachs nhận định Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ là ba nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á, với GDP dự kiến đạt 5-6,5% trong những năm tới. Các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và tiềm năng bắt kịp phát triển kinh tế là những động lực chính giúp các quốc gia này dẫn đầu khu vực.

Công ty tài chính Nomura (Nhật) cảnh báo rằng năm 2025 sẽ mang đến nhiều biến động hơn cho châu Á. Trong quý I, nhu cầu mạnh mẽ về AI và xuất khẩu có thể hỗ trợ tăng trưởng chung. Tuy nhiên, từ quý II, khu vực có khả năng đối mặt với các thách thức lớn hơn, bao gồm nhu cầu nhập khẩu yếu, tốc độ tăng trưởng doanh số bán chất bán dẫn chậm lại, và nhu cầu trong nước giảm sút.

Nomura cũng dự báo GDP của châu Á (không bao gồm Nhật) sẽ giảm xuống mức 3,9% trong năm 2025, thấp hơn so với mức 4,3% của năm 2024. Đây là dấu hiệu cho thấy khu vực đang đối mặt với những áp lực suy giảm từ cả bên trong và bên ngoài. Trong bối cảnh này, các nền kinh tế châu Á sẽ cần tận dụng tiềm năng nội tại và điều chỉnh chính sách phù hợp để đối phó với những thách thức mới, đồng thời đảm bảo tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp châu Á năm 2025 dự báo nằm ở mức 4,1%, giảm so với mức 4,2% của năm 2024. Tuy có giảm nhẹ, song điểm mấu chốt là sự sụt giảm tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của thanh niên, kết hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng - những vấn đề đang góp phần làm giảm tỉ lệ tham gia lực lượng lao động trong khu vực.

Đây là một xu hướng dài hạn có thể tác động nghiêm trọng đến năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á trong những thập niên tới.

Việc đối mặt thách thức này đòi hỏi các chính phủ phải triển khai các biện pháp khuyến khích lực lượng lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động, cải thiện kỹ năng cho người lao động và tận dụng công nghệ để bù đắp sự thiếu hụt lao động do già hóa dân số, theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới 2025 của Tổ chức Lao động Thế giới.

Bốn yếu tố định hình kinh tế châu Á năm 2025

Theo Nomura, kinh tế châu Á năm 2025 sẽ do 4 yếu tố lớn định hình:

Đầu tiên là sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, các chính sách thương mại và thuế quan sẽ được đẩy nhanh. Dự kiến, chính quyền của ông Trump sẽ áp mức thuế 60% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% thuế trên diện rộng từ quý II năm 2025. Điều này sẽ khiến xuất khẩu từ châu Á suy yếu, đồng thời làm gia tăng bất ổn thương mại, kéo theo sự chậm trễ trong đầu tư kinh doanh.

 Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là sẽ gây tác động lớn đến kinh tế châu Á thời gian tới. Ảnh: GETTY IMAGES

Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là sẽ gây tác động lớn đến kinh tế châu Á thời gian tới. Ảnh: GETTY IMAGES

Hơn nữa, châu Á sẽ phải đối mặt với điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn do lãi suất vẫn cao tại Mỹ và giá trị đồng USD tăng mạnh. Nếu ông Trump ưu tiên giảm thâm hụt thương mại song phương, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan – vốn nằm trong nhóm dẫn đầu thâm hụt thương mại với Mỹ – sẽ chịu nhiều áp lực.

Thứ hai, động lực kinh tế của Trung Quốc và bài toán dư thừa sản xuất. Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích tài khóa, bao gồm chuyển tiền cho địa phương, hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp và đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đối mặt với thuế quan cao hơn từ Mỹ và châu Âu, dẫn đến khả năng chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á, gây sức ép lên khu vực. Dù nhu cầu nội địa của Trung Quốc có thể giúp giảm bớt một phần tác động tiêu cực, ảnh hưởng tổng thể đến kinh tế châu Á vẫn rất phức tạp và gây lo ngại.

Thứ ba, khả năng duy trì đà tăng trưởng của ngành bán dẫn giảm tốc. Năm 2024, xuất khẩu bán dẫn toàn cầu có thể tăng trưởng mạnh, đạt 18% nhờ nhu cầu AI và giá bộ nhớ tăng. Tuy nhiên, năm 2025, tăng trưởng dự báo giảm xuống còn 9,3% khi nhu cầu cho các sản phẩm công nghệ cũ như điện tử tiêu dùng vẫn yếu.

Ngoài ra, sự cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Bắc Kinh tự cung cấp chip nhiều hơn, làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Điều này sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu của châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, chậm lại.

Cuối cùng là điểm tựa quan trọng từ nhu cầu nội địa. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu yếu đi, các quốc gia có nhu cầu nội địa mạnh sẽ nổi bật. Malaysia có thể hưởng lợi từ các dự án trung tâm dữ liệu, chuỗi cung ứng mới và đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng. Philippines cũng được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ chi tiêu cơ sở hạ tầng gắn với cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 5-2025.

Ngược lại, nhu cầu nội địa của Ấn Độ có thể bị kìm hãm do tác động từ chính sách tiền tệ chặt chẽ. Thái Lan và Hàn Quốc cũng đối mặt với khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước dự kiến suy yếu.

Bốn yếu tố trên sẽ góp phần định hình bức tranh kinh tế châu Á năm 2025, đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để các quốc gia trong khu vực thích nghi và tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các ngân hàng trung ương châu Á có thể "tách mình" khỏi Fed?

Khả năng các ngân hàng trung ương ở châu Á giảm phụ thuộc vào chính sách thắt chặt của Fed sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ nhạy cảm với biến động tỉ giá hối đoái (FX), quy mô dự trữ ngoại hối và tình hình kinh tế trong nước.

Theo Nomura, chính sách tiền tệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có sự khác biệt rõ rệt:

Nới lỏng vừa phải: Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách nới lỏng nhẹ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nới lỏng mạnh mẽ hơn: Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Úc có khả năng giảm lãi suất đáng kể nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và đầu tư.

Tăng lãi suất: Nhật và Malaysia có thể chọn thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định kinh tế.

Điều này cho thấy các quốc gia trong khu vực đang tìm cách linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, cân bằng giữa nhu cầu trong nước và áp lực từ bối cảnh kinh tế toàn cầu.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-dien-cac-yeu-to-dinh-hinh-buc-tranh-kinh-te-chau-a-nam-nay-post831575.html