Nhân quyền - hành trình giành lại
ĐTO - Nhân quyền vừa rất quen thuộc vừa dường như xa lạ với nhiều người. Nhân quyền thuộc về con người nhưng đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của mỗi người. Loài người nói chung hay mỗi cộng đồng và từng người nói riêng liên tục nỗ lực giành lấy nhân quyền. Nhưng, “món quà quý giá” này còn nhiều “hạt trân châu” được xem là thứ “xa xỉ” bởi những rào cản về truyền thống, văn hóa và điều kiện nhất định. Bài viết này góp phần làm rõ thêm về sự phấn đấu một cách không mệt mỏi của con người để đạt được nhân quyền.
Nhân quyền - quyền con người (human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Một cách diễn đạt tổng quát hơn, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ (1776) là bản văn được hầu hết quốc gia trên thế giới tôn vinh bởi nêu bật tư tưởng quyền con người: “…mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Nhân quyền và dân quyền có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền nước Pháp (1789) cũng đề cập các quyền tự nhiên, các quyền con người là bình đẳng: có giá trị mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất con người. Từ sự khai sáng của từng dân tộc, cộng đồng quốc tế có được nhận thức chung đầy đủ và rõ ràng về quyền con người. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10/12/1948) đã chính thức khẳng định: “mọi người sinh ra tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi” không phân biệt “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc kiến giải khác, quốc tịch hoặc xuất thân xã hội, tài sản, xuất sinh hoặc thân phận khác”. Đồng thời, đặt ra các quyền lợi cụ thể về nhiều phương diện của cá nhân như các quyền trước pháp luật, đối với cộng đồng, dân sự và chính trị, về kinh tế, xã hội và văn hóa.
Trong lịch sử của nhân loại, do những hạn chế về nhận thức và thiên kiến, loài người nói chung hay từng cộng đồng nói riêng đã trải qua những thăng trầm trong việc ứng xử với nhau với tư cách con người. Nhiều thế kỷ của thời Trung cổ, con người sống trong “tăm tối”. Kiếp người nô lệ, thân phận “ngựa trâu”, “công cụ biết nói” là những từ ngữ diễn đạt số phận con người không phải là người. Vượt lên sự “bức bối” của xã hội đương thời, những nhân vật tiến bộ nhận ra chân lý cuộc sống đã cất tiếng nói, kêu gọi và tổ chức con người đứng lên đòi quyền sống và mưu cầu hạnh phúc. Ở Việt Nam, các triều đại phong kiến quản lý xã hội theo tư tưởng Nho gia và gắn liền triết lý tôn giáo. Nó đã từng “chôn chặt” con người trong các “luân thường đạo lý”. Và, cùng với ách đô hộ của ngoại bang đã làm cho dân Việt “một cổ hai tròng”. Kể từ ấy đến “năm hai mươi của thế kỷ hai mươi, tôi sinh ra nhưng chưa được làm người” (Tố Hữu). Xã hội bị nô dịch đã gây cho con người bao tủi nhục: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do…” (Hồ Chí Minh). Người Việt Nam phải vùng lên giành lấy quyền làm người. Dưới sự lãnh đạo của các lực lượng tiến bộ, nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, các tầng lớp người Việt đã “xuống đường đập tan mọi xích xiềng” để dân tộc được độc lập và rồi, hành trình liên tục tìm kiếm tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Từ khi giang sơn thu về một mối và người dân có được chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc vì quyền con người đã có những tiền đề tiên quyết và cơ sở vững chắc để được thực thi. Các văn bản pháp luật mà nhất là Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã xác định “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đối với tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường. Trên cơ sở ấy, hàng loạt chính sách, chương trình, kế hoạch được triển khai để bảo đảm quyền con người được hiện thực. Trong đó, một số chương trình nổi bật vừa mang tính nhân văn sâu sắc vừa thể hiện tính cộng đồng trọn vẹn như: chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục để “toàn dân biết đọc, biết viết”; chương trình xóa đói, giảm nghèo mà thành tựu trở thành hình mẫu đối với thế giới khi giảm nghèo từ 57% năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều; chương trình xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát sẽ hoàn thành năm 2025…Toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập trung kiến tạo, thể chế hóa các định hướng về quyền con người để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, không riêng Việt Nam, nhiều nơi trên hành tinh này vẫn còn vật lộn với những trở ngại trong việc đem lại quyền cho con người. Bên cạnh yếu tố khách quan từ thiên tai, dịch bệnh…, con người tự “hành hạ” mình bởi việc gây ra chiến tranh, bạo lực, phân biệt đối xử, thành kiến, ngay cả sự ngu ngốc…Cùng với đó, không ít người đang phải “chấp nhận” nơi môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, điều kiện sống nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém…Đến nay, bé gái một số quốc gia không được đến trường ở các bậc học cao, phụ nữ không có các quyền về chính trị và lựa chọn lối sống, khoảng ba tỉ người phải bươn chải tìm kế sinh nhai, một số người chưa hiểu thế nào là quyền con người, không ít người xem tự do, dân chủ, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc chỉ là những ước mong còn quá xa vời. Rõ ràng, hành trình giành lại quyền con người còn lắm gian nan. Và, quyền con người thuộc về con người chỉ khi mỗi người, cộng đồng mà nhất là đối với những người đại diện ý thức đầy đủ về quyền con người thì quyền ấy mới có cơ may trở thành hiện thực. Nói một cách hình ảnh, “Đem sức ta giải phóng mà giải phóng cho ta”, “Từ bàn tay ta” tạo ra nơi đáng sống!
Quyền con người là những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm. Theo lẽ thường, những gì thuộc về con người thì đương nhiên phải được trao trả cho họ. Nhưng, xã hội người là tập hợp người và mọi việc không đơn giản như chúng ta nghĩ. Trong suốt hành trình của lịch sử nhân loại, mỗi người và những tổ chức đại diện ra sức giành lấy những điều được xem là cao quý nhất. Do những hoàn cảnh tự nhiên và văn hóa, từng cộng đồng và ở những lãnh thổ nhất định đã và đang thu hoạch được vị ngọt của quyền con người. Phần đông còn lại vẫn tìm kiếm và thụ hưởng từng phần món quà quý giá của chính mình.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/nhan-quyen-hanh-trinh-gianh-lai-127709.aspx