Nhân rộng mô hình trồng khoai mán ở các bản đồng bào Mông huyện Quan Sơn
Với tinh thần tiên phong đi trước, nhiều cán bộ, đảng viên đã trồng thử nghiệm và chứng minh được hiệu quả kinh tế của cây khoai mán trên đồi đất của đồng bào Mông bản Ché Lầu, xã Na Mèo. Từ đó, huyện Quan Sơn xây dựng mô hình, tiến tới nhân rộng ra các bản vùng đồng bào Mông với nhiều kỳ vọng là cây thoát nghèo.
Cây khoai mán được manh nha tự phát với diện tích manh mún, nhỏ lẻ trên đồi đất bản Ché Lầu, xã Na Mèo từ khoảng năm 2018. Đến năm 2019, đảng viên Thao Văn Thê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo đã tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và mua giống cây ở tỉnh Hòa Bình về trồng tập trung với diện tích 1ha. Tuy nhiên, do chưa áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật canh tác, nên năm đầu gia đình anh chỉ hòa vốn.
Rút kinh nghiệm từ vụ đầu, anh Thê đã quan tâm cải tạo đất, tập trung thâm canh, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, năm 2020 đã có thu nhập trên 80 triệu đồng từ 1ha cây khoai mán (sau khi đã trừ chi phí giống và phân bón). Cùng với đầu tư chuồng trại nuôi bò thương phẩm, nên gia đình anh đã xây dựng được căn nhà khang trang nhất bản. Hiện nay, ngoài duy trì diện tích khoai mán của gia đình, anh Thê còn hỗ trợ giống và hướng dẫn người dân trong bản kỹ thuật canh tác cây trồng này.
Nhận thấy trồng khoai mán cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng truyền thống và được xã Na Mèo tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đồng bào Mông ở bản Ché Lầu đã mạnh dạn đầu tư thâm canh. Năm 2023, bản có thêm 2 hộ trồng với diện tích 0,8ha. Năm nay tiếp tục có thêm 3 hộ trồng với diện tích hơn 1ha, nâng tổng diện tích cây khoai mán ở bản lên gần 4ha.
Ông Lò Văn Hậu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, cho biết, cây khoai mán rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt. Trung bình, mỗi ha cây trồng cho năng suất từ 6 tấn - 7 tấn/vụ, đạt giá trị khoảng 100 triệu đồng. Trừ chi phí giống, vật tư, phân bón thì trồng 1ha khoai mán, người dân có thể thu nhập khoảng 80 triệu đồng/vụ. Ngoài bán cho thương lái đến thu mua tại ruộng, người dân vẫn sử dụng củ khoai mán để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Trong khi đó, cây trồng này không đòi hỏi cầu kỳ về kỹ thuật canh tác. Người dân cần xuống giống sau khi được xử lý đúng thời vụ, thường xuyên nhổ cỏ và bón thúc đúng thời kỳ sinh trưởng đã có thể cho thu hoạch tốt. Thời gian cây cho thu hoạch sau trồng chỉ trong khoảng 10 tháng. Đặc điểm này phù hợp với trình độ và tập quán canh tác của đại đa phần đồng bào Mông ở bản Ché Lầu.
Trong việc đưa cây khoai mán vào trồng thử nghiệm, Đảng ủy xã Na Mèo đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở bản Ché Lầu tiên phong làm trước, chứng minh được hiệu quả để người dân làm theo. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã phân công cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, vận động bà con tập trung chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Vậy nên, khoai mán đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, kỳ vọng trở thành cây thoát nghèo ở các bản đồng bào Mông huyện Quan Sơn.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, sau khi đánh giá hiệu quả cây khoai mán tại bản Ché Lầu (xã Na Mèo), huyện đã có chủ trương xây dựng mô hình và nhân rộng sang 2 bản đồng bào Mông còn lại là bản Xía Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Trên thực tế, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân ở 3 bản này khá tương đồng. Do vậy, việc nhân rộng cây khoai mán đến 2 bản này là hoàn toàn khả thi. Thông qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng du canh phá rừng lấy đất làm nương rẫy.