Nhật ký Điện Biên - nối dài những ước mơ cống hiến
Khi đến Điện Biên, có lẽ sẽ không một du khách nào bỏ qua Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng những cảnh quan, cảnh tượng lịch sử tái hiện lại phần nào chiến thắng năm xưa.
Hai cuốn nhật ký đặt cạnh nhau trong tủ kính, một cuốn cỡ bằng vở học trò là của đồng chí Phạm Thanh Tâm, họa sĩ, phóng viên Báo Quyết Thắng, Đại đoàn 351, viết trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cuốn còn lại nhỏ bằng bàn tay là của đồng chí Vũ Đình Kiểm, Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung Đoàn 102, Đại đoàn 308, viết trong những năm 1950-1954.
70 năm đã trôi qua, những dòng chữ trên hai cuốn nhật ký đã ngả màu cùng năm tháng nhưng vẫn đủ nét để khách tham quan có thể đọc. Tôi đứng sát bên ô kính trưng bày nhìn vào bên trong, trang nhật ký của đồng chí Vũ Đình Kiểm đang giở đến bài Dân ca lúa mới. Có lẽ trong điều kiện chiến tranh khốc liệt “ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay”: Mặt trời bừng sáng cánh đồng quê, lúa đã về dân cày. Ngày xưa về tay địa chủ hôm nay về tay dân cày. Ơn này nhờ có Đảng, ơn Bác Hồ cho ta lúa, cho ta ruộng cày đời ngày ấm no...
Thật khó hình dung, giữa bom đạn kẻ thù, người lính Điện Biên vẫn lạc quan chép ra bài dân ca lúa mới với ca từ thể hiện niềm hân hoan khi đời sống ngày một ấm no. Và chính niềm lạc quan ấy là động lực giúp các chiến sĩ vững tinh thần chiến đấu với kẻ thù. Có thể vào những giờ nghỉ hiếm hoi trong cuộc chiến là lúc người chiến sĩ Điện Biên cất lên lời dân ca về lúa mới.
Có một điều lấy làm tiếc là khi tìm thêm tư liệu về cuốn nhật ký của đồng chí Vũ Đình Kiểm, tôi hầu như không tìm được thông tin gì. Nhưng cũng mừng, cuốn nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm lại có khá nhiều tư liệu nhắc đến. Toàn bộ cuốn nhật ký của họa sĩ ghi lại 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến ngày 7/5/1954). Những dòng nhật ký quý giá của ông là nhân chứng cho cuộc hành quân gian khổ của bộ đội pháo binh, chỉ bằng đôi tay trần kéo những khẩu pháo nặng gần 2 tấn, vượt qua núi non hiểm trở vào trận địa.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm mô tả chi tiết bộ đội ta đào hầm trú ẩn ngụy trang cho pháo dưới những trận đột kích bất ngờ của Pháp. Nhân vật chính của cuốn nhật ký là những chiến sĩ pháo binh, lực lượng dân công tham gia vận chuyển lương thực và mở đường.
Là phóng viên chiến trường, ông đã di chuyển qua những vùng lầy lội để tìm đến vị trí các pháo binh nguy hiểm, gần kề với căn cứ cạnh khẩu pháo trong chiến hào để miêu tả chân thực nhất trong nhật ký của mình. Cũng bởi là nhà báo, ông đã phân tích về cuộc chiến tranh, những thực tế đã diễn ra trên chiến trường.
Cũng trong nhật ký này, ông còn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Quân đội nhân dân Việt Nam… với quan điểm của người cộng sản chân chính, yêu nước. Một điều khá bất ngờ là trong những trang nhật ký của mình, ông còn ký họa các bức chân dung của người lính hay những chiếc xe tải hạng nặng Môtôlova, những tấm bản đồ chiến trường Điện Biên Phủ, đôi lúc chỉ là một động tác cảm thông, chia sẻ với nhau từng điếu thuốc và cả bức chân dung tự họa chính tác giả đang ngồi trên mặt đất, đầu cúi xuống ở tư thế viết trong chiến hào chật hẹp trên chiến trường.
Phần cuối cuốn nhật ký là những bài hát, bài thơ do họa sĩ sáng tác nhằm khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần đồng chí, đồng đội trước khi bước vào trận đánh. Chúng tôi khá ấn tượng với trang nhật ký ông viết đêm 13/3/1954: Đồi Him Lam hoàn toàn tiêu diệt/Đây trận đầu giặc khiếp pháo ta/Điện Biên Phủ rồi hóa ra/Điện âm phủ của Na Va phen này (đêm 13/3/1954).
Khi đọc những dòng này, chúng tôi hình dung niềm vui vô bờ của các chiến sĩ Điện Biên khi ta giành được Him Lam và chiến thắng trận mở màn đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho quân ta tiến lên tiêu diệt quân thù.
Trước khi lên Điện Biên, chúng tôi đã biết đến nhiều cuốn nhật ký thời chiến, đó là “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; đó là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; đó là Nhật ký Vũ Xuân của Anh hùng, Liệt sĩ Vũ Xuân - người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên...
Rời Điện Biên, tôi mang theo bức ảnh những dòng nhật ký đó về Thái Nguyên và đặt cạnh Nhật ký Vũ Xuân. Có một cảm xúc thật lạ khi đứng trước những dòng nhật ký này. Tôi hình dung sau những trang viết kia là khuôn mặt các chiến sĩ còn trẻ lắm, có người trở về sau chiến thắng, nhưng cũng có người mãi mãi không về. Nhưng họ có chung lòng nồng nàn yêu nước, có chung niềm tin vào con đường giải phóng dân tộc mà Bác Hồ, Đảng ta đã chọn, và họ sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho con đường ấy.
Nhật ký thời chiến có lẽ là một điều đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã từng nhận định: Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do, không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.
Vâng, những trang nhật ký minh chứng cho tình yêu đất nước là những di sản quý giá mà lớp lớp thế hệ sau cần gìn giữ. Những trang viết riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc ấy sẽ thắp lên trong tim thế hệ hôm nay niềm tự hào về đất nước, để nối dài những ước mơ cống hiến, dựng xây và sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần.