Nhiệm vụ của luật còn bảo vệ nạn nhân là người chưa thành niên

Góp ý vào dự án Luật Tư pháp chưa thành niên, đại biểu cho rằng, ngoài việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm… đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân là người chưa thành niên.

Toàn cảnh thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quốc hội

Bảo vệ nạn nhân là người chưa thành niên

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều đồng tình với việc nên có một bộ luật chuyên biệt cho người chưa thành niên.

Theo đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá, đây là lần đầu tiên có một dự án luật chuyên biệt về tư pháp hình sự dành cho người chưa thành niên.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng lưu ý, ngoài việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là nạn nhân là người chưa thành niên.

“Quan điểm chỉ đạo này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân là người chưa thành niên, với lợi ích chung của toàn xã hội”, đại biểu nói.

Đại biểu cũng viện dẫn ý kiến của một chuyên gia về pháp luật hình sự nêu: Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi. Bởi nếu quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành.Từ đó, đại biểu đề nghị các điều khoản trong luật này cần thể hiện xuyên suốt được tinh thần trên.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, dự thảo quy định cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, được chuyển hướng tại 9 tội danh, trong đó có tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc xử lý chuyển hướng đối với 2 tội danh này. Lý do, Bộ luật Hình sự hiện hành không cho phép xử lý chuyển hướng đối với một số tội danh trong đó có 2 tội danh này do đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng năm 2015…

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh quan điểm, trước xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay, nên cân nhắc cẩn trọng để khi luật được ban hành, vừa đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, nhưng vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định áp biện pháp xử lý chuyển hướng?

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự thảo, nội dung này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cả ba cơ quan là cơ quan điêu tra, viện kiểm sát, tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho tòa án.

Nhưng đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cả ba cơ quan trên đều có thẩm quyền đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng ở cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng thay vì từng cơ quan tự quyết định thì đều phải đưa ra xem xét tại phiên họp do tòa án chủ trì và tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

“Phiên họp nên được tổ chức đơn giản, thân thiện với thủ tục rút gọn do 1 thẩm phán chủ trì, với sự thảo luận, xem xét kỹ càng của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát tòa án”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu.

Theo đại biểu, phương án này vừa bảo đảm biện pháp xử lý chuyển hướng có thể được xem xét, áp dụng ở mọi giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng, vừa bảo đảm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét chặt chẽ, minh bạch và thống nhất, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm lợi ích tốt nhất dành cho đứa trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị nên quy định chỉ tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi đây là những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tòa án cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, với lỗi vô ý hay cố ý, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng để có căn cứ xác định có thuộc trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng hay không.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, dự thảo luật đưa ra những người có thể được chọn trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội gồm: nhân viên công tác xã hội; công chức tư pháp - hộ tịch; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên.

Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm chức năng nhiệm vụ của từng nhóm trên để đảm bảo tính khả thi và việc hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu cho rằng, người trực tiếp giám sát phải nên là từ các bộ phận có hệ thống được tổ chức tận đến khu phố, ấp…

Về cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch, theo đại biểu nên cân nhắc không bố trí những người có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã trực tiếp giám sát.

Đại biểu đề xuất bổ sung tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là người trực tiếp giám sát. Theo đại biểu, đây là lực lượng luôn bám sát cơ sở, nên có khả năng hoàn thành nhiệm vụ là người trực tiếp giám sát thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhiem-vu-cua-luat-con-bao-ve-nan-nhan-la-nguoi-chua-thanh-nien-385168.html