Nhiên liệu sinh học có thể giúp Việt Nam giảm khí nhà kính ngay lập tức

Nhiên liệu sinh học đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông xanh, khi loại nhiên liệu này giúp loại bỏ các-bon, giảm phát thải độc tố không khí.

Tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", do Bộ GTVT tổ chức, ông Chris Markey, Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cho biết, ethanol sinh học ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Châu Á.

Các mục tiêu trung hòa các-bon tạo ra cơ hội để loại nhiên liệu này mở rộng hơn nữa. Thực tế giá xăng mới cũng thúc đẩy việc sử dụng ethanol sinh học tăng lên.

Công dụng phổ biến nhất của ethanol là làm phụ gia xăng, ngoài ra còn được dùng để làm thực phẩm, đồ uống có cồn và không cồn, hóa chất, mỹ phẩm và dược phẩm.

Ethanol đang được mở rộng sử dụng tại nhiều nước ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, cũng như tại Việt Nam.

Nhiên liệu sinh học mang lại lợi ích về sản xuất nông nghiệp cho các quốc gia có sản xuất nguyên liệu. Mang lại lợi ích môi trường do việc loại bỏ các-bon trong nhiên liệu. Lợi ích sức khỏe con người từ việc giảm phát thải độc tố không khí, cũng như lợi ích kinh tế cho cộng đồng nông thôn và an ninh năng lượng.

Ông Chris Markey, Phó Giám đốc khu vực, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ.

Ông Chris Markey, Phó Giám đốc khu vực, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ.

Kết quả nghiên cứu tại 5 thành phố trên toàn cầu gồm: Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo cho thấy, sử dụng xăng E10 và E20 giúp giảm từ 1,8 - 9,1% lượng khí nhà kính. Việc pha trộn nhiều ethanol hơn cũng sẽ giúp giảm đáng kể trường hợp ung thư do các chất gây ô nhiễm này gây ra.

Nghiên cứu được Trung tâm Đánh giá Vòng đời, Đại học Los Banõs (Philippines) công bố năm 2023, với các kịch bản pha trộn ethanol vào xăng khác nhau. Việt Nam có thể giảm từ 1,67 - 14,95% lượng khí nhà kính so với dùng xăng không pha trộn.

Hầu hết nguyên liệu đầu vào để sản xuất ethanol sẽ giữ nguyên cho đến năm 2030. Nguồn cung từ ASEAN tương đối đa dạng, đến từ Việt Nam (sắn, ngô), Philippines (mật mía), Thái Lan (mật mía, sắn, nước mía) và Indonesia (mật mía, ngô).

Đây là cơ hội tiềm năng cho các nguyên liệu đầu vào thay thế đến từ những quốc gia Đông Nam Á kể trên. Với Việt Nam, sự sẵn sàng của ethanol sinh học đem lại công cụ giảm khí nhà kính ngay lập tức cho GTVT đường bộ.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/nhien-lieu-sinh-hoc-co-the-giup-viet-nam-giam-khi-nha-kinh-ngay-lap-tuc-192240821155128033.htm