Nhiều chợ truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch để hoạt động lại

TP.HCM có 234 chợ truyền thống tuy nhiên đến nay, sau gần nửa tháng nới lỏng giãn cách xã hội, thành phố mới có hơn 40 chợ hoạt động trở lại, còn gần 190 chợ truyền thống vẫn chưa hoạt động lại. Vì sao các chợ chậm hoạt động trở lại?

Chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh có gần 150 tiểu thương, chủ yếu cung cấp thực phẩm cho người dân ở phường 19 và phường 17 của quận. Sau khi TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách, nhiều tiểu thương muốn buôn bán trở lại nhưng đến nay chợ vẫn chưa mở cửa. Trong khi đó, người dân có nhu cầu mua sắm nên các điểm bán hàng tự phát xung quanh chợ diễn ra khá tràn lan.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng ban Ban Quản lý chợ cho biết: theo Bộ tiêu chí an toàn đối với chợ truyền thống của Sở Công thương TP.HCM thì không chỉ chợ Thị Nghè mà nhiều chợ truyền thống xây dựng lâu đời rất khó đáp ứng, nhất là tiêu chí khoảng cách giữa các quầy sạp là 2m, diện tích người bán 4m2, thêm yêu cầu có chỗ cách ly cho trường hợp phát hiện F0 để chờ cơ quan y tế, trong khi đó chợ cũ, diện tích nhỏ nên khó đáp ứng yêu cầu này.

Theo bà Nguyễn Ngọc Dung, để đáp ứng các tiêu chí này, Ban quản lý chợ linh hoạt bằng cách cho tiểu thương bán xen kẽ mới đủ khoảng cách.

Những quầy hàng tự phát bán tràn lan ở chợ Thị Nghè trong khi chợ chính thì vẫn chưa hoạt động lại.

Những quầy hàng tự phát bán tràn lan ở chợ Thị Nghè trong khi chợ chính thì vẫn chưa hoạt động lại.

Hiện nay, chợ Thị Nghè đang chờ cơ quan chức năng thẩm định để cho buôn bán trở lại hay không. Tuy nhiên, với phương án bán xen kẽ ngày nghỉ, ngày bán cũng rất khó cho tiểu thương. Hiện, khách phải vào chợ gửi xe, đo thân nhiệt, trình thẻ xanh hoặc giấy tiêm vaccine đủ 2 mũi hoặc 1 mũi, nhưng đã tiêm được 14 ngày, đồng thời quét mã QR. Việc này đối với người đi chợ lớn tuổi không dùng điện thoại thông minh, họ càng ngại, do phải mang theo giấy tiêm ngừa, khai báo y tế bằng giấy, tốn thời gian. Cho nên nhiều người tấp xe vào chợ tự phát hoặc điểm bán hàng tự phát mua mà ít vào chợ. Chính vì vậy, chợ tự phát hoặc điểm bán hàng tự phát sau dịch bệnh càng có cơ hội phát triển.

Tại chợ Đa kao, Quận 1 hiện nay có khoảng 50-60 tiểu thương bán trở lại, chủ yếu là bán hàng thực phẩm tươi sống rau của quả, thịt cá. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết, việc buôn bán hiện nay rất chậm, chợ vắng khách, sức mua giảm 1 nửa so với trước dịch bệnh.

Chị Trinh bán cá ở chợ Đa Kao, Quận 1 cho rằng, tiểu thương bán hàng trong chợ phải đáp ứng các điều kiện an toàn phòng chống dịch và nhiều chi phí khác, còn người bán tự phát thì không bị kiểm soát các điều kiện đó nên tốn rất ít chi phí. Sự cạnh tranh không công bằng này cũng là một trong những nguyên nhân gây khó cho tiểu thương.

Nhiều người dân tấp vào các cửa hàng để mua hàng trên đường Phan Huy Ôn, quận Bình Thạnh.

Nhiều người dân tấp vào các cửa hàng để mua hàng trên đường Phan Huy Ôn, quận Bình Thạnh.

Còn tại quận Tân Phú, nơi 100% chợ truyền thống dừng hoạt động trong lúc dịch bệnh thì nay đã có 1 trong tổng số 5 chợ hoạt động trở lại. 4 chợ còn lại đang chuẩn bị mở cửa trở lại sau ngày 15/10. Vừa qua, quận này cũng kiểm tra và rà soát lại chặt chẽ các chợ có phương án an toàn thì mới cho hoạt động trở lại, vì lúc trước đã xảy ra tình trạng F0 trong chợ.

Về việc dẹp các chợ tự phát, ông Phạm Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, các mặt hàng tươi sống bán ở lòng lề đường và xung quanh chợ không cho hoạt động. Còn các điểm bán tạp hóa ở trong nhà và ở khu vực xung quanh chợ thì vẫn hoạt động nhưng phải đảm bảo đạt các tiêu chí phòng chống dịch bệnh và có mã QR. Hiện, quận đã giao 11 phường của quận chịu trách nhiệm xử lý các chợ tự phát, không để các chợ này hoạt động, tránh nguồn lây nhiễm dịch bệnh”.

Một sạp bán cá ở chợ Đa Kao, Quận 1 giăng bạt nilon ngăn cách để phòng dịch.

Một sạp bán cá ở chợ Đa Kao, Quận 1 giăng bạt nilon ngăn cách để phòng dịch.

Theo kế hoạch, Sở Công Thương thành phố đang đẩy nhanh các chợ truyền thống hoạt động trở lại nhưng phải theo nguyên tắc an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: việc mở cửa các chợ truyền thống phải tính toán để tăng nhanh số lượng, nhưng phải đảm bảo chất lượng và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Chơ ĐaKao, Quận 1 vắng khách khi hoạt động trở lại.

Chơ ĐaKao, Quận 1 vắng khách khi hoạt động trở lại.

Theo ông Phương, quan trọng hơn nữa có những đổi mới, cách thức làm sao để hoạt động các chợ truyền thống được nâng cấp, văn minh hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu tiếp tục duy trì cách cũ, hoạt động nhếch nhác, chất lượng hàng hóa cũng chưa kiểm soát chặt chẽ, khó cạnh tranh với các hệ thống phân phối hiện đại và cả những điểm bán tự phát bên ngoài.

Trước đây, UBND đã giao cho Sở Công thương xây dựng đề án nâng cao chất lượng chợ truyền thống. Qua các đợt dịch Covid-19 cũng là dịp các chợ truyền thống tính toán, rà soát lại nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát các chợ và điểm bán hàng tự phát gần chợ. Điều đó vừa đảm bảo an ninh, trật tự, mỹ quan đô thị và phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng nhếch nhác, đông đúc dễ lây lan dịch bệnh./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-cho-truyen-thong-chua-dap-ung-yeu-cau-phong-chong-dich-de-hoat-dong-lai-897717.vov