Nhiều công ty thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng vẫn muốn... chiến thắng
Nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, khẳng định vị thế quốc gia trong một thế giới không ngừng thay đổi.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR), nhận định: Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa doanh nghiệp, trường đại học và chính quyền để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuẩn bị kỹ năng số cho thế hệ trẻ và chính sách ưu đãi cho chuyên gia công nghệ cao sẽ tạo lực lượng lao động vững mạnh, giúp Việt Nam cạnh tranh toàn cầu.
Chinh phục nhà đầu tư: Nhân lực Việt cần kỹ năng số
- Phóng viên: Bà có thể chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và quản lý? Đâu là những điểm mạnh và điểm yếu nổi bật trong lực lượng lao động của Việt Nam?
+ Bà Tiêu Yến Trinh: Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang tiến bộ rõ rệt. Trước đây, các vị trí lãnh đạo tập đoàn nước ngoài chủ yếu do người nước ngoài đảm nhiệm, nhưng nay người Việt đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Điều này chứng minh năng lực quản lý và lãnh đạo của nhân sự Việt ngày càng nâng cao.
Các doanh nghiệp tư nhân Việt cũng lớn mạnh hơn. Số công ty có giá trị vốn hóa hàng tỷ USD tăng đáng kể trong 5 năm qua, phản ánh khả năng quản trị doanh nghiệp được cải thiện.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần bổ sung nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số, phân tích dữ liệu và định hướng chiến lược. Ngoài ra, ngày càng có nhiều du học sinh, Việt kiều và chuyên gia quốc tế trở về làm việc, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thế giới không còn ranh giới cố định giữa nhân lực trong nước và quốc tế. Khi doanh nghiệp Việt mở rộng ra nước ngoài, họ phải kết hợp nhân lực Việt với nhân lực bản địa để phù hợp thị trường. Sau đại dịch COVID-19, làm việc từ xa và theo dự án cũng trở thành xu hướng phổ biến, giúp doanh nghiệp khai thác nguồn lực toàn cầu.

Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa giúp Việt Nam bứt phá, khẳng định vị thế trong nền kinh tế số. Ảnh: MINH HOÀNG
- Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghệ như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường lao động cần đáp ứng những yêu cầu nào để phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là điểm yếu về kỹ năng mới như bà đề cập?
+ Việt Nam cần trang bị cho lao động kỹ năng số như lập trình, thiết kế vi mạch, phân tích dữ liệu. Ngoài ra, kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, và giao tiếp tiếng Anh cũng quan trọng.
Việt Nam hiện thiếu những nhà lãnh đạo có khả năng "tổng đạo diễn" chuyển đổi số doanh nghiệp, đòi hỏi khả năng xây dựng chiến lược, kết nối giải pháp số và ứng dụng công nghệ.
Ở cấp kỹ sư và quản lý dự án, Việt Nam có nguồn nhân lực mạnh nhưng cần bổ sung kỹ năng mềm và hiểu biết kinh doanh. Trong khi đó, công nhân vẫn thiếu kỹ năng công nghệ hiện đại. Cần phổ cập kiến thức số từ trung học, trường nghề và tái đào tạo lao động.

Kỹ năng số và chiến lược nhân sự sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai. Ảnh: QH
Chìa khóa hợp tác công - tư
- Từ kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực nhân sự, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nào khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao? Những giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức này?
+ Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực mới có kỹ năng phù hợp với các yêu cầu kinh doanh hiện đại. Các doanh nghiệp đang cần nhân sự có khả năng ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa gắn kết chiến lược kinh doanh với việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Điều này dẫn đến việc sử dụng nhân lực một cách không hiệu quả, giống như một đội bóng thiếu những vị trí quan trọng như tiền đạo hay trung vệ mà vẫn muốn giành chiến thắng.

Nguồn nhân lực giỏi công nghệ sẽ quyết định sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ảnh: QH
Giải pháp để khắc phục tình trạng này bao gồm việc tích cực ứng dụng công nghệ vào mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo lại nhân sự hiện có, bổ sung các kỹ năng mới cần thiết và đồng thời tìm kiếm những nhân sự mới có chuyên môn phù hợp.
Doanh nghiệp cũng cần định hướng rõ ràng trong chiến lược nhân sự, xây dựng một kế hoạch cụ thể để phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng được những vai trò cần thiết. Giống như trong một đội bóng, doanh nghiệp cần có đủ các vị trí như tiền đạo, hậu vệ, và thủ môn để vận hành một cách hiệu quả.
- Giải pháp nào từ phía doanh nghiệp và nhà nước mà bà cho là hiệu quả nhất để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam? Theo bà, những sáng kiến hợp tác công tư sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng hệ sinh thái nhân lực và công nghệ số bền vững?
+ Giáo dục đào tạo đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc định hướng ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược quốc gia, thành phố là điều kiện cần thiết để đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, nếu định hướng du lịch là ngành mũi nhọn, thì việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao phải cụ thể và rõ ràng, xác định rõ nhu cầu lao động ở từng cấp bậc.
Chính phủ xây dựng chiến lược ngành, từ đó đưa ra các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học và các hiệp hội nghề hoặc doanh nhân. Các trường đại học không nên đào tạo theo phong trào mà cần dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, hướng tới phục vụ chiến lược phát triển ngành.

Giáo dục đào tạo đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: QH
Bốn bên hợp tác này sẽ giúp tạo ra một bức tranh toàn diện, từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, định hướng phát triển ngành của chính quyền, cho tới việc thiết kế chương trình đào tạo tại các trường học. Cụ thể, chính quyền cần xây dựng bộ từ điển năng lực chi tiết cho từng ngành, giúp các trường đại học phát triển chương trình đào tạo chuyên biệt, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế.
Như phát triển ngành bán dẫn, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học và các hiệp hội nghề nghiệp. Trước tiên, nhà nước cần xác định rõ mục tiêu phát triển ngành ở cấp quốc gia và thành phố, bao gồm việc nâng cao năng lực ở các cấp kỹ sư, quản lý dự án và lãnh đạo. Sau đó, phối hợp với trường đại học để đảm bảo số lượng tuyển sinh và chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đồng thời, cần dự báo xu hướng ngành và tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ tham gia đóng góp ý kiến. Chương trình đào tạo cần dựa trên nhu cầu thực tế của ngành, tránh tình trạng đào tạo dư thừa hoặc không phù hợp.

Nhà nước cần xác định rõ mục tiêu phát triển ngành ở cấp quốc gia và thành phố, bao gồm việc nâng cao năng lực ở các cấp kỹ sư, quản lý dự án và lãnh đạo. Ảnh: QH
An cư, lạc nghiệp: Cánh cửa giữ chân nhân tài
- PV: Bà nghĩ sao về lời kêu gọi của Tổng Bí thư trong việc khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao để phát triển đất nước? Theo bà, những chính sách nào là quan trọng nhất để tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài công nghệ cao và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam?
+ Bà Tiêu Yến Trinh: Trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ và đột phá hơn để thu hút nhân tài và chuyên gia công nghệ cao hoặc các kỹ năng đặc biệt.
Một trong những chính sách quan trọng là đảm bảo cho họ môi trường sống và làm việc ổn định, giúp họ cảm thấy an tâm khi về nước làm việc. Chẳng hạn, có thể dành quỹ đất hoặc phát triển các dự án bất động sản để cung cấp nơi ở cho các chuyên gia. Việc hỗ trợ họ “an cư” sẽ là một bước quan trọng để khuyến khích họ “lạc nghiệp” tại Việt Nam.
Cần chính sách đột phá như tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao thu nhập, chế độ phúc lợi đủ hấp dẫn. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, cần cải thiện thu nhập và các chính sách đãi ngộ cho nhân tài. Hệ thống quỹ lương trong khu vực công cần được tái cơ cấu để đảm bảo tính cạnh tranh với khu vực tư nhân. Nếu lương và chế độ phúc lợi đủ hấp dẫn, nhân tài sẽ sẵn sàng đóng góp cho đất nước thay vì tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Một số biện pháp như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn học phí cho con cái của chuyên gia, hay giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân tài.
Học hỏi từ các quốc gia thành công như Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời thu hút công dân toàn cầu trở về đóng góp cho quê hương. Các chính sách đột phá như tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao thu nhập cho công chức và cung cấp nền tảng giáo dục miễn phí cho con cái của nhân tài là những yếu tố cần thiết để phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao.