Nhiều giải pháp thúc đẩy dịch vụ, thương mại phát triển

Vĩnh Phúc đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh với hệ thống hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng số hóa, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức. Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang tăng trưởng mạnh mẽ, tỉnh đã đề ra những chiến lược cụ thể để thúc đẩy ngành dịch vụ và thương mại phát triển bền vững, bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, nâng cao đời sống người dân và tạo cơ hội đầu tư kinh doanh.

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 4/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 6,15% so với tháng trước và tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2024, đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I năm 2025 đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này đã cho thấy tiềm năng phát triển của ngành thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy thương mại và dịch vụ phát triển là quy hoạch hạ tầng đồng bộ. Tỉnh đã tập trung nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao, quy hoạch các đầu mối cung cấp hàng hóa, bán buôn, bán lẻ của cả vùng tại thị trấn Thổ Tang, xã Tề Lỗ và xã Trung Nguyên, những khu vực có tiềm năng phát triển thương mại, giúp kết nối các doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.

Cùng với đó, việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại, mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối và hội chợ triển lãm đang được triển khai. Đầu tư vào các loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi và logistics hiện đại sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và tỉnh đang có những bước đi chiến lược để tận dụng lợi thế này. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, với mục tiêu xây dựng thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững.

Theo đề án, tỉnh sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội.

Các mặt hàng tại Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các mặt hàng tại Siêu thị Go! Vĩnh Phúc đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đến hết năm 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trở thành một trong 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 30/100 điểm.

Các giải pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, xây dựng nền tảng thương mại điện tử địa phương kết nối doanh nghiệp với thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận công nghệ mới.

Với tỷ lệ người dân sử dụng internet và thanh toán điện tử tăng 10% so với năm trước, tỉnh đang có những nền tảng vững chắc để thương mại điện tử phát triển nhanh hơn.

Bên cạnh hạ tầng và thương mại điện tử, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Vĩnh Phúc, với định hướng phát triển theo mô hình “Dịch vụ chất lượng – Sản phẩm khác biệt – Hiệu quả bền vững”.

Tỉnh đang tập trung khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo dựng phong cách riêng với các loại hình du lịch mới, độc đáo. Với lượng khách du lịch đạt hơn 3,5 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024, Vĩnh Phúc đang khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Các giải pháp thúc đẩy du lịch bao gồm đầu tư vào hạ tầng du lịch, nâng cấp các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và điểm tham quan, phát triển các dịch vụ thể thao, giải trí, tạo thêm lựa chọn cho du khách, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng.

Kế hoạch mở rộng chuỗi khách sạn cao cấp và khu vui chơi giải trí đã được thông qua, với tổng vốn đầu tư lên đến 3.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với đối tác trong và ngoài nước đang được đẩy mạnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh đang thử nghiệm mô hình quản lý số hóa, giúp tối ưu hóa quy trình cấp phép kinh doanh và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuống còn 50% so với trước đây. Đây là một trong những bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai kế hoạch sản xuất và kinh doanh, tận dụng tối đa các cơ hội thị trường.

Vĩnh Phúc đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy dịch vụ và thương mại phát triển. Với các giải pháp quy hoạch hạ tầng, phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đang từng bước xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững.

Trong tương lai, việc tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị trường sẽ giúp Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm thương mại và dịch vụ hàng đầu khu vực.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tỉnh có thể đạt mức tăng trưởng dịch vụ và thương mại lên tới 9,5% trong năm 2025, giúp tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế địa phương.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128219//nhieu-giai-phap-thuc-day-dich-vu-thuong-mai-phat-trien