Nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong quý II/2024, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 91.219 tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu được phát hành thuộc nhóm ngân hàng, chiếm 75% tổng giá trị phát hành.

Mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã công bố báo cáo cập nhật thị trường quý II/2024. Theo đó, hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng phát hành từ những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất hay hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần như không có mà hầu hết các đợt phát hành đến từ các NHTM.

Nhóm ngân hàng chiếm phần lớn tổng giá trị phát hành

VBMA cho biết, trong quý II/2024 có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với trị giá 2.500 tỷ đồng (chiếm 2,7% tổng giá trị phát hành) và 84 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 88.719 tỷ đồng (chiếm 97,3%).

Hoạt động phát hành trong quý II/2024 đã trở nên sôi động hơn nhiều với sự tăng vọt về phát hành của nhóm ngân hàng và bất động sản. Theo VBMA, nguyên nhân có thể đến từ hoạt động tín dụng của ngân hàng cải thiện và nhu cầu bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn. Trong quý II/2024, gần 67.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II tăng 138% (lên 91.219 tỷ đồng). Đa phần trái phiếu được phát hành thuộc nhóm ngân hàng với 68.546 tỷ đồng (chiếm 75% tổng giá trị phát hành).

VBMA cho hay, 78% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2024 có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, lãi suất phát hành bình quân quý II/2024 là 6.62%/năm. Kỳ hạn phát hành bình quân quý II/2024 là 3,66 năm.

Trong quý II, ở hầu hết các nhóm ngành, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đi xuống so với cùng kỳ năm trước, lãi suất bình quân giảm 3,17 điểm phần trăm. So với quý I/2024, lãi suất phát hành cũng hạ nhiệt ở tất cả các nhóm ngành (trừ nhóm bất động sản).

Theo nhận định của VBMA, đây là diễn biến khá bất ngờ khi trong quý II mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng lên, cùng với đó là nhu cầu phát hành để bù đắp lượng trái phiếu đáo hạn trong quý.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý II/2024 là 41.011 tỷ đồng (so với cùng kỳ 2023 giảm 51,3%). Trong nửa cuối năm, giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn là 139.765 tỷ đồng. Trong đó 58.782 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản (tương đương 42%) và trái phiếu ngân hàng trị giá 22.498 tỷ đồng (tương đương 16%).

Trong quý II/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc mới ở mức 11.362 tỷ đồng (tăng nhẹ so với quý I/2024). Phần lớn trái phiếu chậm trả lũy kế từ tháng 11/2022 đến nay là trái phiếu bất động sản (chiếm 63% tổng giá trị chậm trả).

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 265.456 tỷ đồng trong quý II/2024, bình quân đạt 4.352 tỷ đồng/ngày, tăng 17,6% so với quý I/2024. Phần lớn giá trị giao dịch thuộc về các trái phiếu của nhóm ngân hàng. Trong top 10 tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong quý II, nhóm ngân hàng góp 6 đại diện.

Theo báo cáo, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ở mức 11,2% GDP. So với các nước trong khu vực như Malaysia (53,6% GDP), Thái Lan (26,7% GDP) thì quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 8,4% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, giảm 0,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm ngoái. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối quý II/2024 giảm nhẹ 3% so với thời điểm cuối 2023 (ở mức trên 1,17 triệu tỷ đồng).

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - Việt Nam đã được thu hẹp

Trong quý II/2024, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 60 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 140.500 tỷ đồng. Trong đó giá trị trúng thầu là 76.273 tỷ đồng và tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 54,3%.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị trúng thầu tương đương 39,1% kế hoạch cả năm (400.000 tỷ đồng), trong đó khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành quý II đạt khoảng 63,6% kế hoạch quý II (120,000 tỷ đồng).

Trong quý II/2024, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội không phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh.

Giá trị trúng thầu trái phiếu chính phủ tập trung ở kỳ hạn 5 năm và 10 năm lần lượt ở mức 20.500 tỷ đồng, và 40.966 tỷ đồng. Với kỳ hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 9.935 tỷ đồng, 2.800 tỷ đồng và 2.072 tỷ đồng. Kỳ hạn 7 năm không trúng thầu. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục không gọi thầu kỳ hạn 3 năm dù mục tiêu phát hành kỳ hạn này trong năm nay là 30.000 tỷ đồng.

Kỳ hạn phát hành bình quân trong quý II là 10,22 năm, với lãi suất bình quân 2,42%. Lãi suất phát hành bình quân quý II/2024 đi lên.

Theo phòng chào giá VBMA Outright, cuối quý II/2024 lợi suất trái phiếu Chính phủ ở tất cả các kỳ hạn đều tăng so với cuối quý 1/2024. Cụ thể, lợi suất các kỳ hạn dưới 5 năm tăng mạnh từ 164-296 điểm, lợi suất các kỳ hạn lớn hơn 10 năm theo đà tăng 138-158 điểm, kỳ hạn 7 năm nhích thêm 66 điểm so với quý trước.

Hiện chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - Việt Nam vẫn còn cao nhưng trong quý II/2024 đã thu hẹp giữa bối cảnh đà tăng chỉ số giá PCE lõi tháng 5 của Mỹ chậm lại còn 2,6%, nhu cầu tiêu dùng giảm, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng vào tháng 6 đã góp phần hạ nhiệt lạm phát Mỹ. Tuy vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn nhấn mạnh Fed cần quan sát thêm các dữ liệu kinh tế và lo ngại việc cắt giảm lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát tăng tốc trở lại. Trong nước, xuyên suốt quý II/2024 NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu và bán lượng lớn USD để hạn chế đà tăng của tỷ giá USD/VND. Động thái hút tiền trên hệ thống của NHNN cùng với sự cải thiện của nhu cầu tín dụng trong quý II/2024 đã góp phần nâng lãi suất liên ngân hàng ở quý này.

Chuyên gia phân tích Công ty WiGroup cho biết, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản là một vấn đề đáng quan ngại. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng dây chuyền, làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Điều này cũng có thể khiến việc siết chặt tín dụng, làm cho việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings, sự phục hồi của trái phiếu bất động sản phụ thuộc nhiều vào việc tháo gỡ pháp lý các dự án, để các dự án này có thể tiếp cận được vốn, triển khai và mở bán. Cùng với đó, cần có giải pháp đột phá để khơi thông cơ sở nhà đầu tư tổ chức và đẩy mạnh kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-kho-khan-trong-viec-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-90426.html