Nhiều người trở thành triệu phú khi nuôi cá giữa lòng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng
Người dân Phong Nha 'bỏ túi' hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch cá trắm lồng, nhờ đó mà chất lượng đời sống của người dân trong vài năm trở lại đây được cải thiện và đi lên.
Nhờ tận dụng tốt diện tích mặt nước trên sông Son để nuôi cá trắm lồng đặc sản, những năm gần đây đời sống của người dân làng Na (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã dần được cải thiện và đi lên. Đặc biệt, chỉ trong vòng 3 năm trở lại, số lượng lồng bè nuôi cá trắm trên địa bàn tăng vọt, cùng với giá cá tương đối ổn định đã mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho nhiều người dân nơi đây.
Dòng sông Son nổi tiếng với làn nước trong xanh tận đáy, chảy ra từ các hang động đá vôi trong những ngọn núi Kẻ Bàng, tinh khiết và không ô nhiễm. Với lợi thế đó, người dân nơi đây đã tập trung nuôi nhiều cá lồng bè, chủ yếu là cá trắm. Cá nuôi trong lồng không khác gì cá ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, rong rêu và các phụ phẩm từ nông nghiệp như sắn, khoai…
Với ưu điểm chất lượng thịt thơm ngon, có hàm lượng chất dinh dưỡng lợi lại đem lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Cá trắm đen có khả năng thích nghi với môi trường cao, sức đề kháng cao, nhanh lớn. Tuy nhiên vào những ngày mưa lũ, nước sông chảy xiết cũng khiến nhiều hộ dân nuôi cá phải điêu đứng vì nguy ngơ mất trắng nếu thiếu kinh nghiệm trong quá trình nuôi cá.
Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá trắm lồng trên sông Son, ông Nguyễn Văn Hảo (62 tuổi, ở làng Na, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm mưu sinh từ nghề sông nước, nhưng khi triển khai nuôi cá lồng trên sông vào năm 2003, gia đình ông Hảo vẫn gặp phải không ít khó khăn bởi có nhiều nỗi lo. Không chỉ việc thức đêm để trông nom thì nuôi cá lồng trên sông còn nhiều rủi ro khác, nhất là vào mùa mưa bão nếu không kiểm soát được môi trường, nguồn nước, cá rất dễ mắc bệnh.
“Nuôi cá trắm có lợi nhuận cao nhưng cũng rất cực khổ. Vào mùa mưa, nước sống ở đây lên nhanh lại chảy xiết sẽ làm cho cá ở lồng bị sốc nước và chết không ít, dịch bệnh cũng gây thiệt hại đáng kể, nhẹ cũng thiệt hại vài chục triệu đồng, nặng thì hàng trăm triệu, có khi mất trắng", ông Hảo kể lại.
Theo ông Hảo, dù nuôi cá trắm lồng mang nhiều rủi ro và vất vả nhưng đổi lại có những thuận lợi riêng như dễ nuôi, dễ thu hoạch, thị trường ưa chuộng, chỉ cần vệ sinh lồng nuôi theo định kỳ, tạo thông thoáng mặt nước trong lồng để tăng hàm lượng oxy và chống ký sinh trùng, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh cho cá; điều chỉnh thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng, tốc độ phát triển để tách đàn, tạo điều kiện cá lớn đồng đều… Vì hiệu quả kinh tế cao hơn so với cá loại cá khác nên gia định quyết tâm vượt khó khăn để theo nghề.
“Gia đình tôi hiện đang có 5 lồng lớn với hơn 700 con cá trắm đen. Cá trắm chỉ cần nuôi trong vòng khoảng 2 năm thì sẽ đủ điều kiện để xuất bán ra thị trường. Cá trưởng thành có trọng lượng tầm 5kg, khi bán cho thương lái sẽ có giá 100.000 đồng/kg. Trừ hết mọi chi phí có thể lãi khoảng 200 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch cá”, ông Hảo chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, cũng từ đó mà cá trắm sông Son ở đây trở thành đặc sản của địa phương nên người dân nuôi nhiều hơn.
Đến nay, hàng trăm hộ dân với hàng ngàn lồng cá lớn nhỏ được trải dài dọc sông Son cho thấy người dân nơi đây đang tận dụng tốt diện tích mặt nước trên sông để xây dựng thương hiệu cá trắm lồng đặc sản.
Nhiều năm trở lại đây, vào những ngày cận dịp 30/4 - 1/5 hàng năm, Lễ hội cá trắm sông Son ở Phong Nha lại được tổ chức.
Lễ hội có mục đích quảng bá thương hiệu cá trắm trên sông Son, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, tôn vinh những người nông dân nuôi cá giỏi và giúp đỡ bà con tìm được đầu ra ổn định.