Nhiều nước kêu gọi công dân rời Syria khi chiến sự nóng rực
Lực lượng nổi dậy Syria đang tiến vào các thị trấn phía bắc thành phố Homs lớn thứ 3 đất nước và có ý định tiến về thủ đô Damascus. Hàng nghìn người dân tháo chạy vì chiến sự leo thang, trong khi quốc tế đang theo dõi sát tình hình với sự quan ngại.
Lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham đã có những cuộc tấn công “chóng vánh”, giành quyền kiểm soát các thành phố quan trọng của Syria chỉ trong vài ngày, từ Aleppo ở phía Bắc, xuống Idlib rồi Hama và hôm qua đã tới một số thị trấn ngoại ô của thành phố Homs và trên đà tấn công về thủ đô Damascus.
Bộ Quốc phòng Syria cho biết, lực lượng binh sĩ đã phải đồng loạt rút lui ở nhiều địa điểm và khẳng định đây là hành động mang tính tạm thời và chiến thuật. Tuy nhiên, chiến sự ở Homs được dự báo sẽ rất căng thẳng bởi đây là tuyến phòng thủ cuối cùng, ngăn quân nổi dậy có thể tiến về thủ đô.
Nhiều nguồn tin từ quân đội Syria cho biết, lực lượng Hezbollah của Lebanon đang hỗ trợ quân chính phủ Syria tại đây. Những cuộc giao tranh đang xảy ra ở các vùng nông thôn Homs, với sự yểm trợ của không quân Syria và Nga, lực lượng pháo binh, tên lửa và xe bọc thép. 200 tay súng nổi dậy đã bị tiêu diệt trong ngày hôm qua.
Ở một mặt trên khác, lực lượng chiến binh người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn hôm qua đã kiểm soát được thành trì Deir Al Zor – thành trì quân chính phủ ở phía Đông.
Chiến sự leo thang phức tạp khiến hàng nghìn người dân Syria đêm qua đã phải di tản khẩn cấp, tới các vùng ven biển Địa Trung Hải là Latakia và Tartus, những thành trì của chính phủ.
Về phía quốc tế, Mỹ, Nga và Jordan hôm qua đã kêu gọi công dân nhanh chóng rời quốc gia Arab này. Iran cam kết sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để tăng số lượng cố vấn quân sự giúp Syria. Hôm qua, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết mối đe dọa khủng bố ở Syria sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi Syria mà còn là mối đe dọa đối với tất cả các nước láng giềng và toàn bộ khu vực:
“Các mối đe dọa khủng bố ở Syria sẽ không chỉ giới hạn ở Syria mà còn là mối đe dọa đối với tất cả các nước láng giềng và toàn bộ khu vực. Nếu Syria trở thành nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố, với sự trở lại của IS và các nhóm khủng bố khác, điều này sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với khu vực và mối đe dọa này chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn ở Syria mà sẽ tăng tốc đến các nước láng giềng của Syria như Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chính phủ Mỹ hôm qua xác nhận tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về Syria, cho rằng chính phủ Syria nên đối thoại với các phe đối lập và khởi xướng một tiến trình chính trị.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan hôm qua lại có quan điểm ủng hộ lực lượng nổi dậy Syria, dù có chút quan ngại về các tổ chức khủng bố trong các nhóm nổi dậy:
“Idlib, Hama, Homs và bây giờ là mục tiêu là Damascus. Sự tiến công của phe đối lập vẫn tiếp diễn và chúng tôi theo dõi thông qua tình báo và phương tiện truyền thông của mình. Tôi muốn nói rằng chúng tôi hy vọng sự tiến công này sẽ tiếp tục. Chúng tôi đã gọi điện cho Tổng thống Syria Bashar Al Assad, yêu cầu một cuộc họp để thảo luận và quyết định tương lai của Syria. Chúng tôi đã không nhận được câu trả lời tích cực về vấn đề này từ ông ấy”.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, bên lề Diễn đàn Doha (Qatar), Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau để nhau thảo luận về giải pháp cho tình hình Syria hiện nay.