Nhiều quốc gia lo lắng về các thảm họa y tế liên quan biến đổi khí hậu
Giám đốc WHO phụ trách y tế và môi trường Maria Neira cho biết biến đổi khí hậu có thể dẫn tới mọi thảm họa y tế tiềm ẩn và các nước cần đảm bảo chuẩn bị những hệ thống y tế phù hợp với thế kỷ 21.
Các chính phủ đang tập trung hơn vào việc ứng phó với những nguy cơ sức khỏe ngày càng tăng do ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu, trong đó hầu hết các quốc gia đã đề cập những nguy cơ bệnh tật từ sốt rét đến các bệnh về tim trong các kế hoạch khí hậu quốc gia.
Theo dữ liệu mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 90% các quốc gia đã đưa các nguy cơ dịch bệnh vào kế hoạch cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, còn được gọi là Đóng góp quốc gia (NDCs), tăng so với mức 70% trong năm 2020.
Những dữ liệu này được WHO đưa vào trong báo cáo Thống kế Y tế thường niên sẽ được công bố ngày 19/5.
Giám đốc WHO phụ trách y tế và môi trường, Maria Neira, cho biết khủng hoảng khí hậu đe dọa các trụ cột chính của y tế cộng đồng gồm tiếp cận thực phẩm, nước uống, nơi ở và không khí sạch, và các quốc gia có thể phải chật vật để có thể ứng phó tốt với những nguy cơ ngày càng gia tăng này.
Theo bà Neira, biến đổi khí hậu có thể dẫn tới mọi thảm họa y tế tiềm ẩn mà giới chuyên gia đã cảnh báo. Các nước cần đảm bảo chuẩn bị những hệ thống y tế phù hợp với thế kỷ 21.
Bà Neira cho rằng cần có sự điều hướng khi hiện nay các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu đang tập trung nhiều vào tình trạng tan băng, thế hệ sau và Trái Đất trong khi chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề sức khỏe, vốn có thể là một cơ sở tranh luận rất thuyết phục và là động cơ thúc đẩy hành động của các chính phủ.
Hồi đầu tháng này, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - nước chủ trì Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28)- thong báo hội nghị sắp diễn ra vào tháng 12 tới sẽ đánh dấu lần đầu tiên có 1 ngày làm việc dành riêng để thảo luận về các nguy cơ sức khỏe với cuộc họp của các bộ trưởng y tế và khí hậu.
Trong một báo cáo công bố tuần nay, Liên minh Khí hậu và sức khỏe toàn cầu đã chỉ ra rằng so với các nước thu nhập thấp thì các nước giàu có lại chậm trễ hơn trong việc lồng ghép các nguy cơ sức khỏe vào NDCs.
Ngày 17/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo có tới hơn 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng vượt mức giới hạn 1,5 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 trong 5 năm tới.
Các nhà khoa học khí hậu đều cảnh báo mức ấm lên 1,5 độ C là điểm tới hạn mà nếu vượt qua, Trái Đất sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng hơn nhiều từ tình trạng nước biển dâng hay các hình thái thời tiết cực đoan.
Báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan khí hậu như sốc nhiệt, bệnh lan truyền qua thực phẩm, khan hiếm nước, những thay đổi trong thế giới các loài côn trùng và ký sinh trùng cùng với các bệnh về thần kinh ngày càng gia tăng.
Theo bà Neirra trong khi có 91% các quốc gia đã lồng ghép các vấn đề y tế trong NDCs thì chỉ có 10% trong số này nêu được những lợi ích y tế tiềm năng nếu có hành động khí hậu phù hợp.
Bà nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí, cho rằng việc giải quyết vấn đề này vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa giúp bảo vệ mạng sống của con người trước những bệnh mãn tính như hen suyễn và bệnh tim.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, ô nhiễm không khí, thường liên quan tới hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ra hơn 6,4 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và con số này không ngừng gia tăng.
Bà Neira cho rằng cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do ô nhiễm không khí gây ra chưa được quan tâm thích đáng trong các chương trình nghị sự quốc gia.
Nếu muốn có thêm hành động và thuyết phục được mọi người cùng hành động vì biến đổi khí hậu, cần giải thích cho họ về những tác động trước mắt./.