Nhiều quốc gia muốn mua vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam
Nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, ngỏ ý đặt mua vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam. Việc sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi là thành tựu của nghiên cứu khoa học, từ đó giúp nâng cao vị thế, tầm vóc của ngành chăn nuôi Việt Nam trên thế giới. Đây cũng là khởi đầu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu được vaccine ra thị trường nước ngoài, tất nhiên con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.
Chiều ngày 3/6, với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chính thức trao giấy chứng nhận lưu hành vaccine Dịch tả lợn châu Phi.
Nâng cao vị thế ngành chăn nuôi Việt Nam
Chia sẻ tại Lễ công bố, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay: "Ở đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 - khi đó trên cương vị là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khi đi kiểm tra các trang trại nuôi lợn ở địa phương, tôi cảm nhận được ánh mắt thất thần, tuyệt vọng của người chăn nuôi lợn khi bà con phải chứng kiến cảnh lực lượng thú y vào chuồng đem lợn đi tiêu hủy".
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, với người chăn nuôi, một con lợn là tài sản, có thể quy đổi ra gạo, rau thịt. Vì vậy, việc nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi sẽ mang tới yên tâm cho hàng triệu người chăn nuôi, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, bất định, phức tạp...
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); đến nay dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đánh giá việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi có ý nghĩa lớn trong phát triển chăn nuôi lợn, khi đất nước có tới 50% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vaccine là "lá chắn thép" trong phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào chăn nuôi lợn như Xuân Thành dự kiến đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy theo chuỗi khép kín giống, thức ăn, giết mổ, chế biến đến xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định sự kiện này sẽ giúp nâng cao tầm vóc của ngành chăn nuôi Việt Nam trên thế giới. Chia sẻ với VnBusiness, ông Tiến cho biết nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi như Pháp, Thái Lan, Đức.... Do vậy, việc nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
"Ngay tại lễ công bố, có nhiều đại sứ các nước đến dự, nhiều quốc gia đã liên hệ với Bộ NN&PTNT, Navetco đặt vấn đề mua - bán vaccine", ông Tiến thông tin.
Đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, hướng tới xuất khẩu
Do vậy, để đảm bảo sở hữu trí tuệ cho vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo Cục Thú y đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước, xin cấp phép bản quyền ở thị trường nước ngoài, rút kinh nghiệm từ vấn đề sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu đã từng gặp phải đối với một số mặt hàng nông sản để triển khai cho phù hợp.
Về vấn đề thương mại vaccine, ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco), cho biết Cục Thú y quy định 10 lô vaccine đầu tiên sản xuất phải thông qua Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I, sau khi được kiểm nghiệm vaccine mới được lưu hành. Dự kiến, cuối tháng 7/2022, 3 lô đầu tiên được Trung tâm kiểm nghiệm, đến cuối tháng 7 - 8, vaccine có thể lưu hành được.
Hiện tại, công suất sản xuất của Navetco là 50 triệu liều. "Chúng tôi hoàn toàn nâng được công suất để cung ứng cho thị trường khi được phép. Dự kiến, giá của vaccine dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/liều. Chúng tôi khuyến nghị, nếu chuồng trại chăn nuôi lợn ở vùng an toàn, mỗi con lợn chỉ cần tiêm 1 liều, còn ở trong vùng chăn nuôi chưa an toàn về dịch bệnh nên tiêm 2 liều", ông Hạnh chia sẻ.
Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc Navetco cho hay, nhiều công ty nước ngoài có liên hệ đặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt doanh nghiệp sẽ có kế hoạch đáp ứng nhu cầu ở thị trường trong nước, sau đó mới đẩy mạnh xuất khẩu sang một số quốc gia.
Không chỉ Navetco, 2 doanh nghiệp khác là công ty AVAC và công ty Dabaco cũng đang hoàn tất để chuẩn bị công bố nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi. Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cấp phép lưu hành thêm 2 loại vaccine khác để phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Navetco đang làm ăn ra sao trước thời điểm công bố vaccine?
Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương (Navetco) tiền thân là Viện Quốc gia Vi trùng học và Bệnh lý Gia súc, được thành lập từ năm 1955 với chức năng chủ yểu là chẩn đoán bệnh và sản xuất một lượng nhỏ vaccine cho gia súc.
Năm 2013, đơn vị này chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó Bộ NN&PTNT nắm 65% vốn và Nova Consumer Group (tên cũ Anova Corp) nắm 11,7%. Năm 2017, cổ phiếu VET giao dịch trên thị trường UPCoM.
Năm 2021, doanh thu thuần Navetco đạt 608 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ). Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Navetco ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm, mức lãi năm 2021 chỉ bằng 56% năm 2018 (154 tỷ đồng).
Năm 2022, trước khó khăn về giá xăng dầu, nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng, tác động đến ngành chăn nuôi, thuốc thú y trên cả nước, Navetco đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu 613 tỷ đồng (tăng 1%) và lợi nhuận trước thuế 87 tỷ đồng (tăng 1%).
Trước thông tin tích cực từ vaccine, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu VET của Navetco đã tăng 8,8% lên 116.000 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn UPCoM.