Nhiều trẻ chưa tiêm chủng khi dịch sởi bùng phát
Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 2.000 ca mắc sởi từ đầu năm 2025 đến nay, trong đó hơn 60% chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm đã mắc bệnh.
Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương trong hai tháng gần đây đã dành toàn bộ giường để điều trị bệnh nhi mắc sởi có biến chứng nặng phải thở oxy, thở máy, thậm chí lọc máu để giành giật sự sống từng ngày.
Theo các bác sĩ khi thăm khám cho bệnh nhi biến chứng nặng, không tiêm vaccine: “Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng và phải thở máy, đồng thời bệnh nhi đã 21 tháng nhưng chưa được tiêm phòng vaccine sởi”.
66% số trẻ mắc sởi được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương là trẻ đến tuổi tiêm chủng nhưng lại chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Hậu quả không chỉ là những ngày tháng điều trị kéo dài, mà còn là nguy cơ để lại di chứng lâu dài cho trẻ nhỏ.
Người nhà bệnh nhi chia sẻ: "Hiện tại cháu mới tiêm được hai mũi, còn mũi thứ ba chưa tiêm được vì cháu cứ ốm liên miên".
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Hơn một nửa bệnh nhi tại đây chưa được tiêm phòng sởi, điều đó đã dấy lên một hồi chuông báo động về tình trạng dự phòng bằng vaccine, từng cá thể nếu không đủ miễn dịch thì sẽ dễ mắc bệnh, cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng".
Chỉ với hai mũi vaccine sởi - tiêm đúng lịch, đúng độ tuổi, thậm chí có thể tiêm sớm từ 6 tháng tuổi theo khuyến cáo của Bộ Y tế là trẻ có thể được bảo vệ khỏi biến chứng nguy hiểm. Đừng để sự chủ quan phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của con em mình. Tiêm chủng đầy đủ là lá chắn vững vàng nhất để phòng bệnh sởi