Nhiều việc lớn được triển khai trong năm học 2024-2025 với giáo dục Mầm non
Kết quả năm học 2024-2025, phương hướng nhiệm vụ năm học 2025-2026 với giáo dục Mầm non được báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2025.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Minh Cương
Tạo nền tảng để đầu tư, phát triển giáo dục mầm non
Báo cáo tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết: Trong năm học 2024 - 2025, Vụ Giáo dục Mầm non đã tham mưu Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Chính phủ và Quốc hội ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục mầm non.
Nổi bật là các chính sách lớn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, chính sách đối với trẻ em và giáo viên, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất.
Nghị quyết số 218/2025/QH15 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được Quốc hội ban hành ngày 26/6/2025, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong chăm lo cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nghị quyết sẽ giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, bảo đảm quyền học tập, công bằng trong tiếp cận giáo dục; có ý nghĩa đặc biệt với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2035 định hướng đến năm 2045. Trong đó, các giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giúp trẻ em được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non chất lượng, công bằng và bình đẳng.
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện nhiệm các nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non; bảo đảm điều kiện và đổi mới công tác quản lý trường học phát huy vai trò tự chủ trong hoạt động chuyên môn và gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc và có nhiều giải pháp triển khai các nhiệm vụ: kịp thời tham mưu ban hành các chính sách đối với trẻ em, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố tích cực tham mưu UBND, HĐND góp ý xây dựng các Nghị quyết Quốc hội về giáo dục mầm non, cũng như các Nghị định quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, kịp thời triển khai thực hiện các văn bản về chính quyền 2 cấp; ban hành các chính sách của địa phương, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi...
Nhiều địa phương đã kịp thời tham mưu ban hành các chính sách đối với trẻ em, giáo viên, đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Mạng lưới trường, lớp mầm non tiếp tục được rà soát, sắp xếp, củng cố phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu đưa trẻ tới trường.
Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non tiếp tục được các địa phương chú trọng và được các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ sở giáo dục mầm non đã tập trung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, lựa chọn, phát triển nội dung giáo dục phù hợp với trẻ; tăng cường tạo cơ hội học qua chơi, trải nghiệm phù hợp với trẻ, từng bước nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Các địa phương đồng thời chủ động tổng kết Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” nhân rộng các mô hình điển hình trong thực hiện chuyên đề; quan tâm trẻ em dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt về tiếng Việt, sẵn sàng vào lớp 1.
Toàn quốc hiện có 15.209 trường mầm non (giảm 47 trường so với năm học 2023-2024), trong đó có 12.059 trường công lập và 3.150 trường ngoài công lập (tỷ lệ 21%) và 18.559 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập (tăng 1.115 cơ sở); 17.623 điểm trường lẻ, giảm 492 điểm trường. Tổng số nhóm/lớp: 207.101, giảm 1.046 nhóm/lớp so với năm học trước.

Ảnh minh họa/ITN.
Các giải pháp phát triển bền vững giáo dục mầm non
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục mầm non cũng còn những hạn chế, bất cập.
Theo đó, công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt hoặc khó đạt mục tiêu. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương. Một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dưới 10% (cả nước 34,6%) huy động trẻ mẫu giáo 70% (cả nước 93,7%); đặc biệt, cả nước vẫn còn gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường.
Tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 85,23%; Tuy nhiên, còn có địa phương tỷ lệ kiên cố hóa dưới 50%. Phòng học nhờ mượn, phòng học tạm còn nhiều, tỷ lệ kiên cố hóa khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt khoảng 61,5%.
Chính sách đối với giáo viên mầm non chưa theo kịp thực tế, chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút giáo viên; giáo viên phải làm việc trong thời gian dài, áp lực, lương và hỗ trợ chưa tương xứng nên tình trạng thiếu giáo viên mầm non còn kéo dài, ở một số thành phố lớn, có tình trạng giáo viên nghỉ việc. Nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục mầm non còn hạn chế..
Năm học 2025-2026, giáo dục mầm non dự kiến sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chung như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục mầm non đối với chính quyền hai cấp. Chỉ đạo quán triệt, thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật chỉnh sửa, bổ sung về GD-ĐT liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, Nghị định số 142/2025/NĐ-CP, Nghị định số 143/2025/NĐ-CP và Thông tư số 09/2025/TT-BGD&ĐT…, bảo đảm cho các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động bình thường, không chia cắt nội dung quản lý về chuyên môn giáo dục mầm non.
Mạng lưới giáo dục mầm non rộng khắp, nhóm, lớp độc lập phân tán nên khi triển khai chính mô hình 2 cấp phải có giải pháp quản lý, chỉ đạo; kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với người có chức danh làm công tác quản lý giáo dục mầm non thuộc UBND cấp xã.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 218/2025/QH15 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.
Các địa phương chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND đưa chỉ tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và các chính sách phát triển giáo dục mầm non vào văn kiện, nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 của địa phương.
Tham mưu cho HĐND cấp tỉnh ban hành các chính sách cho trẻ em, đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non để thực hiện phổ cập mẫu giáo giai đoạn 2026-2030.
Rà soát chỉnh sửa, bổ sung các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi để các địa phương triển khai thực hiện.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt, đẩy mạnh phối hợp các cấp, ngành tăng cường công tác kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho trẻ trong các nhóm, lớp độc lập tư thục.
Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Quan tâm đến đối tượng là trẻ em mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số chuẩn bị tốt cho các em vào lớp 1, chú trọng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, quy định, chính sách mới của ngành, địa phương; truyền thông những mô hình hay, tôn vinh các tấm gương điển hình, tiêu biểu có nhiều đóng góp phát triển giáo dục mầm non.
Thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm tải sổ sách, báo cáo, hạn chế tối đa hồ sơ giấy (duyệt báo cáo, kế hoạch dạy học).
Thứ năm, đảm bảo các điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học đảm bảo tinh gọn bảo đảm các nguyên tắc: phù hợp các quy định, khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao chất lượng, dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.