Làm sao giảm tình trạng KOL 'ngáo quyền lực'?
Đại diện cơ quan quản lý cho rằng tình trạng này có thể khắc phục từ nỗ lực của chính những người có ảnh hưởng trên mạng, kết hợp với vai trò của nền tảng và khung pháp lý.

Đại diện cơ quan quản lý cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ loại bỏ sự mập mờ khi KOL quảng cáo thương mại dưới hình thức "trải nghiệm cá nhân". Ảnh: Chị em rọt.
Tại Tọa đàm về kiến tạo niềm tin số, do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức chiều 28/7, một trong những nội dung được quan tâm là làm thế nào để quản lý tình trạng KOL "ngáo quyền lực", tạo ra ảnh hưởng tiêu cực với xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trung tá Nguyễn Tiến Cường, Trưởng phòng giám sát thông tin mạng và phòng chống hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng 3, Cục A05, Bộ Công an) đã chia sẻ những góc nhìn của cơ quan quản lý thuộc Bộ Công an về phân loại KOL, cũng như cách phát huy góc tích cực của những người có ảnh hưởng trên mạng.
Ba lớp kiểm soát để tránh "ngáo quyền lực"
Trung tá Nguyễn Tiến Cường cho rằng việc ngăn chặn KOL, KOC "ngáo quyền lực" cần sự tham gia của nhiều bên. Cụ thể, người có ảnh hưởng cần đặt ra 3 mức kiểm soát là chuẩn mực đạo đức của người làm nghề, trách nhiệm xã hội, và cuối cùng mới là pháp luật.
"Trong những sự kiện nóng, có rất nhiều luồng thông tin khác nhau. Nếu mỗi người chia sẻ chậm đi một chút, thông tin sẽ đỡ nhiễu loạn hơn, mọi người bình tĩnh hơn, đó là chúng ta nghĩ đến xã hội, là trách nhiệm đối với xã hội", ông Cường chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Tiến Cường, Trưởng phòng 3, Cục A05 chia sẻ về kinh nghiệm quản lý đối với những người có ảnh hưởng trên mạng. Ảnh: Tuấn Anh.
Đại diện Phòng 3, Cục A05 nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nền tảng mạng xã hội. Ông Cường cho rằng có những trường hợp phát ngôn không phù hợp mà vẫn tồn tại vì tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng có thể phù hợp ở các quốc gia, nhưng không phù hợp với Việt Nam trong những bối cảnh nhất định.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Cường cho rằng có thể phân loại những người ảnh hưởng trên mạng thành 3 nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên là những người nổi tiếng, chuyên gia trong các lĩnh vực như luật sư, công chứng, báo chí hoặc nghệ sĩ, diễn viên. Nhóm thứ hai là những người làm nội dung trên các nền tảng, thường được gọi là "TikToker" hay "YouTuber", là những người sử dụng hình ảnh cá nhân khi xuất hiện trước công chúng.
Trong khi đó, nhóm thứ 3 là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng nhưng đứng sau những kênh, hệ thống lớn. Họ có vai trò quan trọng trong việc lan truyền thông tin đến cộng đồng mạng nhưng thường ít được nhắc đến do tính chất gián tiếp và ẩn danh.
Trung tá Nguyễn Tiến Cường cho rằng với ảnh hưởng, tác động lớn trên nhiều lĩnh vực, các nhóm có thể xây dựng hình ảnh tốt đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Ngược lại, họ cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực cho xã hội, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến hoạt động thương mại không minh bạch gần đây.
Những thách thức về quản lý và kinh nghiệm quốc tế
Đại diện cơ quan chức năng nhận định với khung pháp lý hiện tại, vẫn thiếu các quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động của KOL, KOC. Ranh giới giữa chia sẻ trải nghiệm cá nhân và quảng cáo thương mại rất khó xác định.
"Khi KOC quảng cáo thương mại nhưng lại dưới hình thức là trải nghiệm hoặc là hình ảnh cá nhân thì rõ ràng là cái ranh giới rất khó phân định", ông Cường phân tích.
Nếu chia sẻ thông tin sai sự thật, mức phạt đối với người có ảnh hưởng cũng chỉ tương đương bất kỳ cá nhân nào khác, không tương xứng với tầm ảnh hưởng và lợi ích thu được. Điều này làm giảm tính răn đe của pháp luật.

Một số quốc gia coi KOL, người có ảnh hưởng là một nghề, với các tiêu chuẩn nghề nghiệp rõ ràng. Ảnh: Tina Thảo Thi/Facebook.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã coi nhóm người có ảnh hưởng như một ngành nghề, có quản lý và chế tài rõ ràng. Đại diện Phòng 3, Cục A05 nhận định chính phủ Mỹ đặc biệt chú trọng đến tính minh bạch trong hoạt động của những người có ảnh hưởng.
Tại Pháp, đã có chương trình cấp chứng chỉ có trách nhiệm cho những người có ảnh hưởng. Đây là chương trình tự nguyện nhưng rất hiệu quả.
Luật pháp Trung Quốc có quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo, livestream bán hàng. Chế tài xử phạt được áp dụng rất nghiêm khắc đối với những vi phạm.
Trong khi đó, ở Thái Lan KOL được coi là một nghề, và nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ được đặt ra với chuẩn mực rõ ràng để thúc đẩy tiêu chuẩn nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp.
Sẽ có liên minh KOL trên toàn quốc
Từ kinh nghiệm của các nước, cơ quan quản lý đề xuất mô hình liên minh như giải pháp chính cho việc quản lý KOL, KOC tại Việt Nam. Liên minh bao gồm chính những người có ảnh hưởng, cơ quan quản lý, các công ty và nền tảng.
"Chúng tôi cho rằng cần thiết phải thúc đẩy các cơ chế tự kiểm soát. Ví dụ như phải có các liên minh, những tiếng nói chung của những người có trách nhiệm để chúng ta điều chỉnh, lên án những xu hướng, hành vi không phù hợp với giá trị chung", ông Cường giải thích.
Liên minh hoạt động theo mô hình tự nguyện và đồng thuận, tập trung vào việc xây dựng tiêu chuẩn nghề nghệp, nhằm tạo ra cộng đồng KOL có trách nhiệm để phát huy vai trò, sức mạnh và thúc đẩy, lan tỏa giá trị, xu hướng tích cực.
Trong liên minh này, Cục A05 sẽ là đơn vị đặt ra những tiếng nói đầu tiên, và cũng sẽ hoạt động tích cực để đóng góp cho liên minh, Trung tá Nguyễn Tiến Cường khẳng định.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia. Ảnh: NCA.
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cũng cho rằng cần khuyến khích KOL, KOC sử dụng tài năng của họ để đi cùng sự phát triển của đất nước, thay vì đi ngược lại.
Ông Sơn cho rằng một trong những lý do khiến các mạng xã hội có nhiều nội dung tiêu cực là mỗi nền tảng có những tiêu chuẩn cộng đồng khác nhau. Với "Liên minh niềm tin số", có thể xây dựng một tiêu chuẩn chung.
"Một trong những mục tiêu của liên minh, tôi nghĩ là sẽ xây dựng một cái tiêu chuẩn cộng đồng chung cho tất cả nền tảng", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, những tiêu chuẩn cộng đồng đó là tiêu chuẩn cộng đồng của Việt Nam chứ không phụ thuộc vào nước ngoài. Bản thân những người KOL, KOC cũng cần một môi trường lành mạnh, an toàn để phát triển sự nghiệp và tài năng.
Cục A05 cũng thông tin sẽ thúc đẩy một hội nghị vào tháng 8 tới để các bên ngồi lại chia sẻ, trao đổi góc nhìn và mong muốn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-giam-tinh-trang-kol-ngao-quyen-luc-post1572340.html