Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp tái tạo tế bào nhưng tăng nguy cơ ung thư

Một nghiên cứu mới cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn có thể thúc đẩy khả năng tái tạo của tế bào gốc ruột, nhưng lại dẫn đến nguy cơ ung thư.

Nhịn ăn gián đoạn có thể thúc đẩy khả năng tái tạo của tế bào gốc ruột, nhưng lại dẫn đến nguy cơ ung thư.

Nhịn ăn gián đoạn có thể thúc đẩy khả năng tái tạo của tế bào gốc ruột, nhưng lại dẫn đến nguy cơ ung thư.

Nhịn ăn gián đoạn, một chế độ ăn kiêng phổ biến, được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm khả năng thúc đẩy tái tạo tế bào gốc ruột.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới trên chuột do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện đã chỉ ra rằng, dù có lợi cho việc tái tạo tế bào, nhịn ăn gián đoạn cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ung thư.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi ba nhóm chuột với các chế độ ăn khác nhau: nhịn ăn 24 giờ, nhịn ăn 24 giờ rồi ăn lại không hạn chế, và nhóm đối chứng ăn tự do.

Kết quả cho thấy, sau giai đoạn nhịn ăn, các tế bào gốc ruột của chuột có khả năng tái tạo mạnh mẽ hơn. Điều này có thể giúp ích cho việc phục hồi niêm mạc ruột, vốn được thay thế hoàn toàn sau mỗi 7-10 ngày.

Shinya Imada, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại MIT và đồng tác giả của nghiên cứu, đã chia sẻ: "Chúng tôi cho rằng nhịn ăn và ăn lại là hai trạng thái hoàn toàn khác biệt".

"Khi nhịn ăn, tế bào sử dụng lipid và axit béo làm nguồn năng lượng, giúp chúng tồn tại trong điều kiện thiếu chất dinh dưỡng. Sau đó, khi ăn lại, quá trình tái tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Lúc này, các tế bào gốc và tế bào tiền thân kích hoạt các chương trình để gia tăng khối lượng tế bào và tái tạo niêm mạc ruột", ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo về nguy cơ ung thư khi sự tái tạo tế bào diễn ra quá mạnh mẽ. Nếu các tế bào bị đột biến trong giai đoạn tái tạo này, nguy cơ chuột phát triển các khối u tiền ung thư trong ruột sẽ tăng lên đáng kể.

Omer Yilmaz, phó giáo sư sinh học tại MIT và là tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: "Hoạt động tăng cường của tế bào gốc có lợi cho quá trình tái tạo, nhưng nếu hoạt động quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn".

Tế bào gốc ruột đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo niêm mạc ruột, vốn được thay thế hoàn toàn sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, sự phân chia nhanh chóng này cũng khiến tế bào gốc ruột dễ phát triển các biến đổi tiền ung thư hơn so với các loại tế bào khác trong ruột.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đột biến xảy ra trong giai đoạn ăn lại sau nhịn ăn có nguy cơ dẫn đến sự hình thành polyp cao hơn so với các đột biến ở những con chuột không nhịn ăn.

Mặc dù kết quả này được rút ra từ thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác động của nhịn ăn gián đoạn đối với con người.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhịn ăn gián đoạn đang trở thành một xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại.

Trung Việt

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/nhin-an-gian-doan-co-the-giup-tai-tao-te-bao-nhung-tang-nguy-co-ung-thu-1101877.html