Nhìn và cảm nhận: Tôi mua xe đạp điện!
Mua xe đạp điện. Đó là chuyện chẳng to tát gì với nhiều người, nhưng với tôi, khi mua xe đạp điện đó là một khoảnh khắc xúc động, là một thời điểm của hành trình trở về quá khứ, chạm tay vào ký ức của gia đình mà không mấy ai cũng hiểu.

Xe đạp điện cho người...bạc đầu!
Tôi vừa mua một chiếc xe đạp trợ lực điện. Chuyện chẳng to tát gì với nhiều người, nhưng với tôi, đó là một khoảnh khắc xúc động, là một thời điểm của hành trình trở về quá khứ, chạm tay vào ký ức của gia đình mà không mấy ai cũng hiểu.
Nó như là thứ để kết nối giữa hiện tại và những năm tháng xa xưa, giữa người con trai nay đã bạc đầu và người cha đã khuất núi.
Hiện nay dùng xe đạp điện khi di chuyển trong khoảng cách gần đang là "trend". Đương nhiên, xe đạp điện góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm... Xe đạp trợ lực điện còn là trợ thủ đắc lực cho người cao tuổi như tôi khi coi đạp xe là môn thể thao: Khi mỏi chân, khi mệt thì chuyển chế độ chạy điện để chân nghỉ ngơi; hồi sức thì lại luyện chân...
Với tôi việc quyết định mua chiếc xe đạp điện này còn là thực hiện nguyện ước (nói cách khác là hiện thực hóa niềm tin và mơ ước mà chiếc xe đạp điện là biểu tượng) của bố tôi từ...53 năm trước!
Còn nhớ, năm 1972 bố tôi đang là chỉ huy công trường xây dựng khu trại lợn nuôi theo phương pháp công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn. Mỗi lần về thăm bà nội của tôi và mẹ con tôi đang sơ tán ở xã Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc), bố phải đạp xe mấy chục km. Chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ bị gẫy dóng được bố "bó bột" bằng hai thanh tre. Khi đi công tác lên tỉnh, đi miền núi, hay họp hành đầu tỉnh, cuối tỉnh cách nhau cả trăm km..., bố đều di chuyển bằng xe đạp. Vì thế mà đi đi về về có lần mất cả tuần.
Vài tháng bố mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần bố về, chị em tôi thường hóng sau bữa cơm để tất cả đều mắt sáng lên, mồn há hốc nghe bố kể chuyện. Lúc đó bố đặt tay vào chiếc xe đạp cà khổ đang bị bó bột bằng hai thanh tre, mơ màng nói về viễn cảnh tương lai. Nào là anh hùng vũ trụ của Liên Xô đã bay lên mặt trăng, Liên Xô sẽ vượt xa Mỹ về hàng không vũ trụ; Nào là chuyên gia Liên Xô sẽ giúp Việt Nam bắt sống máy bay B52 ngay trên bầu trời đơn giản như bẫy chim...; Nào là khi chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thế hệ các con sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu; Và, đối với bố, quan trọng là lúc đó Liên Xô sẽ sản xuất rất nhiều xe đạp gắn động cơ, đương nhiên những người như bố sẽ không phải còng lưng đạp xe đạp khi đi lại nữa...
Khi nói đến chiếc xe đạp gắn động cơ do Liên Xô sản xuất, mắt bố càng lấp lánh, giọng nói như thi sĩ đang đọc thơ. Khi đó, tôi hiểu niềm tin đó của bố rất hoàn toàn có thật và rất vững chắc.
Năm 1973, chúng ta chiến thắng đế quốc Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; năm 1975 chúng ta đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Mam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1976 và nhiều năm sau đó tôi không thấy xe đạp gắn động cơ do Liên Xô sản xuất đưa sang Việt Nam như bố mong ước. Còn xe đạp lắp ráp theo cơ chế "liên vùng miền" thì tràn ngập. Theo đó, những chiếc khung xe đạp được ba lô của bộ đội sau chiến tranh "cõng" theo tàu hỏa về quê lắp ráp với vành, nan hoa, săm lốp, phụ tùng làm thủ công với chất lượng hàng chợ, trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Nhưng lắp ráp những thứ kém chất lượng đó thành một chiếc xe đạ rồi, người dân phải đem theo giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu, hóa đơn chứng minh mua bán phụ tùng hợp pháp đến cơ quan chức năng đăng ký biển số mới được đạp xe... ra đường! Mỗi công dân ngày đó không được đăng ký quá 2 xe đạp. Xe lắp ráp quá thủ công như thế nên đang xuống dốc hay đang đi mà gẫy khung, gẫy vành gây là chuyện bình thường.
Hành trình đạp xe về quá khứ...
Những năm 1980 trong thời kỳ đổi mới, ở Liên Xô có xe máy Minsk và Voskhod. Đó là những chiếc xe máy không chỉ là mong ước của nhiều người Việt mà của cả nhiều thanh niên Liên Xô. Vì thế, ở miền Bắc nước ta nhiều năm sau 1976, xe máy do Liên Xô sản xuất chỉ thấy lác đác vài chiếc to uỳnh, tiếng máy gầm hơn cả máy cày.
Rồi xe máy Nhật bãi (đã qua sử dụng, bỏ đi ở Nhật) được các thủy thủ tàu viễn dương và các công ty nhà nước nhập khẩu về bán tràn ngập các thành phố, thị trấn. Những công chức mẫn cán như bố tôi khó có thể mua nổi một chiếc xe máy bãi nhãn hiệu Honda vì nó đắt. Những năm sau đó Honda Super Cub nhập khẩu "đập hộp" nguyên chiếc (trong đó có loại xe mà người Việt chỉ nhớ cái tên như một huyền thoại "Kim vàng giọt lệ") có mặt khắp cả nước. Mỗi chiếc xe mới có giá trị tính bằng cây vàng hoặc vài ngàn đô la Mỹ, hoặc bằng cả một căn nhà mái ngói trên mảnh đất 5-7 chục m2. Vì thế, mẫu xe mới của Honda khi ấy là một tài sản lớn và xa xỉ đối với tầng lớp bình dân. Bố tôi lúc đó đã về hưu thì càng không bao giờ với tới được.
Rồi đến giai đoạn xe máy Tàu rẻ tiền, rẻ rúng cả chất lượng, ngập tràn các vùng quê...

Đến mãi nhiều năm sau này dù tôi cố tìm vẫn không thấy chiếc xe đạp gắn động cơ do Liên Xô sản xuất nào như bố mong ước. Rất nhiều người đã nghĩ rằng, Liên Xô lo sản xuất những cái to tát, vĩ đại chứ chẳng mất hơi mất sức vào cái xe đạp. Và quả thật, Liên Xô đã quên hẳn việc sản xuất xe đạp gắn động cơ giành cho những người như bố tôi. Và nếu có những chiếc xe đạp gắn động cơ đó đưa về Việt Nam, chắc gì bố tôi mua được....!
Mọi thứ cứ đi qua như hành trình nó phải đi. Ở Việt Nam, dần dần xe máy là phương tiện giao thông đã trở nên bình thường như xe đạp; rồi ô tô là phương tiện giao thông bình thường như xe máy...Bây giờ, nếu nói đến ô tô người ta phải nói đến..siêu xe xăng, và siêu xe điện.
Trong cái ồn ào nhảy múa của mớ giá trị bị đổi thay đến mức chóng mặt khó biết đâu là giá trị thật giá trị giả, chúng tôi dường như đã quên bẵng đi ước mong/niềm tin của bố ngày nào.
Thời gian trôi đi, chiến tranh đã lùi xa. Giấc mơ nhỏ bé của bố tôi tưởng như đã chìm vào lãng quên, trở thành một ký ức buồn mà cả bố và chúng tôi không muốn nhắc tới. Nhưng tôi biết, bố chưa bao giờ quên được điều ấy, chỉ là ông đã cất giấu nó thật sâu trong lòng. Có vẻ như bố vẫn chờ đợi chiếc xe đạp gắn động cơ do Liên Xô sản xuất trong tiềm thức (chứ không phải nước khác sản xuất- điều này cự kỳ quan trọng), dù sự chờ đời đó nhiều khi rất mơ hồ.
Nhiều năm trước khi về với tổ tiên, bố không còn nhắc đến ước mơ giản dị từ nhiều năm trước nữa: có được một chiếc xe đạp gắn động cơ của riêng mình để đạp xe đi không phải mất nhiều sức lực! Chắc bố chờ đợi, hy vọng quá lâu rồi nên buộc phải quên đi mà thôi.
Và hôm nay, tôi đi mua chiếc xe đạp trợ lực điện. Đắt rẻ không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng là chiếc xe đáp ứng những mong mỏi của chủ nhân là tôi, từ hỗ trợ tập thể thao rèn luyện sức khỏe đến đáp ứng việc cần được giải tỏa những ẩn chứa tâm tư mà ngay người thân nhất cũng không hiểu và không thể chia sẻ!
Cháu bán xe nhẹ nhàng, nhiệt tình hướng dẫn sử dụng, mấy lần giao xe mới đi thử cả chục phút để thuyết phục ông khách xuống tiền mua xe. "Hôm nay gặp ông khách "máu" mua thế này mà cháu không bán được xe thì đó là thất bại trong kinh doanh; Còn hôm nay chú không mua được xe cũng coi như thất bại trong việc thực hiện một điều rất riêng tư và sâu xa"!- Tôi đã nói với cháu bán xe đạp điện như vậy.

Và "công cuộc" mua bán xe đạp trợ lực điện đã diễn ra thành công!
Khi ngồi lên đi chiếc xe đạp trợ lực điện lần đầu tiên, bất giác tôi thấy lòng mình đang dâng lên cảm giác bồi hồi khó tả. Ước mơ năm xưa của bố cuối cùng cũng được hiện thực hóa qua việc làm người con trai nay đã bạc mái đầu - mặc dù Liên Xô đã trở thành quá khứ và chiếc xe đạp này hoàn toàn không phải do Liên Xô sản xuất!