NHNN bơm ròng gần 70.000 tỷ trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng trên ngưỡng 5%
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào hệ thống 69.855 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng khi lượng lớn các khoản cho vay cầm cố giấy tờ có giá đáo hạn và gia tăng cho vay cầm cố giấy tờ có giá.
Trong tuần 21/7 - 25/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng hơn 173.701 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới hơn 110.846 tỷ đồng. Như vậy, tổng bơm ròng qua kênh là 62.855 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu, không ghi nhận giao dịch trong tuần 21/7 - 25/7, tuy nhiên có gần 7.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, do đó lượng bơm ròng qua kênh này khoảng 7.000 tỷ đồng.
Theo đó, tổng cộng trong tuần qua (từ 21/7 đến 25/7) NHNN đã bơm ròng 69.855 tỷ đồng.

Tổng cộng trong tuần qua (từ 21/7 đến 25/7) NHNN đã bơm ròng 69.855 tỷ đồng. (Ảnh: Wichart)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua, tăng từ mốc 4,93% vào đầu tuần lên mức 5,26% vào phiên 23/7, tổng cộng tăng 0,33 điểm % trong tuần qua.
Trong khi đó lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới ba tháng tại phiên 23/7 hiện dao động từ 5,24% - 4,96%, so với phiên đầu tuần, lãi suất tăng tại các kỳ hạn.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm của tại Việt Nam ở phiên 23/7 là 0,98 điểm %.

(Ảnh: Wichart)
Đối với tỷ giá, dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên sáng 25/7, nhà điều hành công bố tỷ giá trung tâm tại 25.164 đồng, giảm 2 đồng so với mức niêm yết hôm trước và tăng 822 đồng so với đầu năm.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa công bố trước đó, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tỷ giá USD/VND lên 26.300 cho cả cuối quý III và cuối năm 2025 (từ mức tương ứng 26.000 và 25.700 trước đó).
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia Kinh tế Cấp cao phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng triển vọng thương mại của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và du lịch.
Mặc dù một số chỉ số kinh tế trong và ngoài nước có thể chững lại trong ngắn hạn, điều này cũng tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước tái xây dựng dự trữ ngoại hối .
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc để ứng phó với những thách thức trước mắt và duy trì đà tăng trưởng”, ông Tim Leelahaphan nhìn nhận.
Trong báo cáo chuyên đề công bố trước đó, các chuyên gia Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu, Ngân hàng UOB, cho rằng tỷ giá VND sẽ duy trì quanh vùng giá yếu trong biên độ giao dịch so với USD trong quý III/2025.
Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu.
UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở khoảng 26.400 VND trong quý III/2025, 26.200 VND trong quý IV/2025, 26.000 VND trong quý I/2026 và 25.800 trong quý II/2026.