Thỏa thuận Mỹ – EU: Hạ nhiệt căng thẳng, kích hoạt đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ
Thỏa thuận khung Mỹ – EU không chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại mà còn mở đường cho dòng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ USD đổ vào Mỹ.
Trong ngày Chủ Nhật, Mỹ đã ký một thỏa thuận thương mại khung với Liên minh Châu Âu EU, áp đặt mức thuế 15% lên phần lớn hàng hóa từ EU – một nửa mức thuế đặt ra từ trước – và tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai khu vực giành gần 1/3 tổng lượng hàng hóa trao đổi trên toàn thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Giám đốc Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố về quyết định này tại sân gôn tại miền Tây Scotland của ông Trump sau một cuộc họp dài một tiếng đồng hồ.
Ông Trump nhận định: "Tôi tin rằng đây là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết", khen ngợi kế hoạch của EU nhằm đầu tư 600 tỷ USD tại Mỹ và tăng mạnh các hợp đồng mua năng lượng và thiết bị quân sự của Mỹ.
Nhận định ông Trump là một nhà thương lượng táo bạo, bà von der Leyen cho biết mức thuế 15% sẽ được áp đặt "trên mọi mặt hàng", và cho biết đây là "điều khoản tốt nhất có thể đạt được".
"Chúng ta đã ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là tiến triển lớn. Nó sẽ mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán cho các bên".
Thỏa thuận này có phần tương tự với những điểm cốt yếu trong thỏa thuận khung giữa Mỹ và Nhật Bản, nhưng tương tự như thỏa thuận khung đó, thỏa thuận giữa Mỹ và EU cũng còn nhiều câu hỏi được bỏ ngỏ, bao gồm vấn đề thuế quan áp đặt lên mặt hàng rượu mạnh, một đề tài gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng cả hai phía.
Ông Trump đã cho biết thỏa thuận này sẽ dẫn tới những hợp đồng mua năng lượng từ Mỹ trị giá 750 tỷ USD trong những năm tới, cùng với những hợp đồng mua thiết bị quân sự trị giá "hàng trăm tỷ dollar". Thỏa thuận này có thể sẽ là tin mới cho một loạt các công ty của EU, như Airbus, Mercedes-Benz và Novo Nordisk, nếu như các chi tiết trong thỏa thuận được đảm bảo.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã khen ngợi thỏa thuận này, nhận định quyết định ký kết thỏa thuận này đã đẩy lùi một cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế xuất siêu của Đức cũng như lĩnh vực sản xuất xe hơi của họ. Các công ty sản xuất xe hơi của Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW là những công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất từ hàng rào thuế quan 27.5% mà Mỹ áp đặt lên các xe hơi và bộ phận xe hơi.
Mức thuế cơ bản 15% vẫn sẽ bị coi là quá cao bởi một số nước tại châu Âu, sau nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận 0% thuế đôi bên.
Bernd Lange, một thành viên đảng Dân chủ Tự do của Đức, hiện là người đứng đầu ủy ban thương mại của Quốc hội Châu Âu, nhận định mức thuế quan là không cân bằng và mức cam kết đầu tư vào Mỹ từ EU có thể sẽ ảnh hưởng tới chính các nước thành viên trong khối này.
Trong chiều ngày Chủ Nhật, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, ông Trump tiếp tục nắm khả năng tăng thuế nếu như các nước châu Âu không thực hiện các cam kết đầu tư.
Giá đồng euro đã tăng 0,2% so với giá đồng dollar, sterling và đồng yên Nhật trong vòng 1h sau khi việc ký kết thỏa thuận được công bố.
Tương tự thỏa thuận với Nhật Bản

Ảnh: REUTERS/Evelyn Hockstein.
Carsten Nickel, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Teneo, nhận định thỏa thuận được ký kết trong ngày Chủ Nhật "chỉ là một thỏa thuận mang tính chính trị cấp cao" và không thể thay thế một thỏa thuận thương mại với các chi tiết rõ ràng: "Điều này dẫn tới rủi ro các bên có cách diễn giải thỏa thuận khác nhau, tương tự như thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản ngay sau khi thỏa thuận này được ký kết".
Mặc dù mức thuế quan được áp đặt lên phần lớn các mặt hàng, bao gồm sản phẩm bán dẫn và dược phẩm, vẫn còn một số mặt hàng được coi là ngoại lệ.
Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt 50% lên thép và nhôm. Bà von der Layen đã đề xuất mức thuế quan này có thể được thay thế bằng một hệ thống hạn ngạch; một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã cho biết các lãnh đạo của EU đã yêu cầu hai phía tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Bà von der Layen đã cam đoan không có thuế áp đặt lên máy bay và bộ phận máy bay, một số loại hóa chất, một số loại thuốc gốc, thiết bị bán dẫn, một số loại nông sản, tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu cốt yếu của cả hai phía.
Bà đã cho biết "sẽ tiếp tục thảo luận để thêm các mặt hàng khác vào danh sách này", và cho biết vấn đề rượu mạnh vẫn đang được thảo luận.
Một quan chức Mỹ cho biết mức thuế áp đặt lên máy bay thương mại sẽ ở mức 0% trong thời điểm hiện tại, và các bên sẽ đưa ra quyết định sau khi chính phủ Mỹ hoàn tất quy trình đánh giá, "có khả năng cao" sẽ chấp nhận mức thuế thấp hơn 15%. Chưa có dự kiến nào về thời điểm quy trình đánh giá được hoàn thiện.
Thỏa thuận này sẽ được coi là thắng lợi cho ông Trump, sau khi ông nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu và giảm mức thâm hụt thương mại mà Mỹ đã chấp nhận trong nhiều thập kỷ qua.
Các quan chức Mỹ cho biết, phía EU đã đồng ý mức thuế thấp cho các mặt hàng xe hơi và một số loại nông sản, tuy nhiên các quan chức EU cho biết chi tiết những mức thuế này vẫn đang được thảo luận.
Một quan chức Mỹ cho biết: "Hãy nhớ rằng nền kinh tế của họ trị giá 20 ngàn tỷ USD… họ lớn gấp 5 lần Nhật Bản. Vì vậy cơ hội mở cửa vào nền kinh tế của họ là vô cùng lớn cho những nhà nông, người đánh cá, người chăn nuôi, những mặt hàng công nghiệp và các doanh nghiệp của chúng ta".
Ông Trump đã thường xuyên lên án EU, cho rằng liên minh này "được thành lập để chơi khăm Mỹ" trên phương diện thương mại. Trong nhiều năm qua, ông đã thể hiện sự bức xúc về vấn đề thâm hụt thương mại tại thị trường EU – mức thâm hụt đạt 235 tỷ USD trong năm 2024, theo Cục Số liệu Mỹ.
EU đã chỉ ra mức thặng dư trên ngành dịch vụ của Mỹ, với khẳng định mức thặng dư này phần nào cân bằng cán cân hai bên.
Ông Trump đã khẳng định mức thuế quan của ông sẽ mang lại thu nhập "hàng trăm tỷ" cho Mỹ và gạt bỏ các cảnh báo về rủi ro lạm phát.
Trong ngày 12/7, ông Trump đã đe dọa sẽ áp đặt 30% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ EU bắt đầu từ ngày 1/8, sau khi các nỗ lực thương lượng trong nhiều tuần đã không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện nào.
Phía EU đã sẵn sàng áp đặt mức thuế có thể mang lại 109 tỷ USD từ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong trường hợp thỏa thuận không thể được ký kết.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)