Nhớ đồng đội trước ngày đại lễ

Ngày này 50 năm trước (29-4-1975), Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão (nguyên Phó giám đốc Học viện Lục quân), trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3), trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh vào căn cứ Đồng Dù. Trận đánh ác liệt khiến nhiều đồng đội chung chiến hào với ông đã anh dũng hy sinh trước ngày đại thắng.

“Tôi cùng đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 320 về Nhà bia lưu niệm chiến thắng căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh để thắp những nén hương thơm cho các đồng đội đã ngã xuống nơi đây ngày 29-4-1975. Khi xe rẽ vào căn cứ, lòng tôi bỗng dâng trào xao xuyến lạ thường. Tôi nhớ đồng đội của mình! Tôi bảo đồng chí lái xe dừng lại và tự đi bộ một đoạn”, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão bồi hồi chia sẻ.

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão, căn cứ Đồng Dù từng doanh trại của Sư đoàn 25 "tia chớp nhiệt đới Mỹ". Trong suốt quá trình tồn tại, căn cứ Đồng Dù được bố phòng rất kiên cố, là "pháo đài", "cánh cửa thép" phòng ngự án ngữ phía Tây Bắc đô thành Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sau Hiệp định Paris 1973 được ký kết, lính Mỹ về nước. Căn cứ này được bàn giao cho Sư đoàn 25 ngụy quyền Sài Gòn. Căn cứ được cấu trúc thành 4 tuyến, với lực lượng địch trong căn cứ thời điểm tháng 4-1975 khoảng 4.000 tên.

 Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 (trái) thăm, tặng quà Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão.

Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 (trái) thăm, tặng quà Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão.

Ông kể rằng, đơn vị của ông là đơn vị chủ lực của Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3) - binh đoàn vừa hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Tây Nguyên, thừa thắng tiến công xuống đồng bằng ven biển miền Trung giải phóng các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa và thị xã Nha Trang, thực hiện chia cắt chiến trường Việt Nam ra làm đôi. Từ bờ biển miền Trung, đơn vị được lệnh lên Tây Nguyên, theo đường 14 hành quân đến Bình Long, về Bến Cát, rồi vượt sông Sài Gòn sang vùng "đất thép" Củ Chi, chuẩn bị chiến đấu, đảm nhiệm một hướng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Trung đoàn chúng tôi là Trung đoàn 48, mang tên Trung đoàn Thăng Long thuộc Sư đoàn 320 (Sư đoàn Đồng Bằng). Tôi vinh dự bước vào trận chiến mà tôi tin tưởng rằng đây là những trận đánh cuối cùng để giải phóng Sài Gòn. Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ tấn công căn cứ Đồng Dù để mở "cánh cửa thép" phía Tây Bắc Sài Gòn cho Sư đoàn 10 thọc sâu đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy. Trong cuộc đời chiến đấu của mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến một buổi lễ xuất quân cảm động đến như vậy. Bên bờ sông Sài Gòn, đoàn quân đội ngũ chỉnh tề dưới cờ và ảnh Bác Hồ, các đơn vị lần lượt đọc quyết tâm thư, rồi đọc lời thề quyết tâm giành chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử dù phải hy sinh xương máu”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão xúc động nhớ lại.

Ông kể thêm, ngày làm lễ xuất quân, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn đều lấy ra bộ quân phục mới nhất để mặc và tất cả đều mang trên cánh tay phải tấm băng đỏ biểu hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đêm 28-4-1975, đơn vị ông hành quân vào chiếm lĩnh trận địa và đến 5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975 bắt đầu nổ súng. Là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, ông được giao nhiệm vụ đi trực tiếp với Tiểu đoàn 3 do đồng chí Nguyễn Thanh Lịch làm tiểu đoàn trưởng và đồng chí Đào Xuân Sy làm chính trị viên Tiểu đoàn, có nhiệm vụ mở cửa trên hướng chủ yếu tiêu diệt căn cứ địch.

Khi thực hiện mở cửa đánh chiếm đầu cầu, hướng của ông bị địch chống trả quyết liệt khiến bộ đội ta hy sinh nhiều. Khi báo cáo tình hình lên cấp trên, ông được lệnh của Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 là trực tiếp đưa bộ đội giải quyết các lớp hàng rào cuối cùng của căn cứ địch. Lúc này, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 đề nghị thực hiện nhiệm vụ nhưng ông đã dứt khoát rằng: “Sư đoàn trưởng giao nhiệm vụ đích danh cho tôi, đồng chí là tiểu đoàn trưởng nắm bộ đội cho chắc, phải chuẩn bị cho tốt, khi tôi chỉ huy mở thông cửa, phải xông lên đánh chiếm đầu cầu ngay”.

Với kinh nghiệm chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông đã chỉ huy lực lượng bộc phá vượt qua "bão đạn" của địch, mở thông các lớp hàng rào. Khi hàng rào cuối cùng được mở toang, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, bộ đội ta xung kích đánh chiếm đầu cầu. Ngay sau đó, lực lượng thọc sâu và xe tăng lần lượt qua cửa mở. Ông cũng theo bộ đội đánh vào căn cứ, lần lượt chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Cùng với các hướng mũi tiến công khác, sau vài giờ, căn cứ Đồng Dù hoàn toàn bị tiêu diệt. Kết quả, quân ta bắt sống, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện cũng như thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão gặp lại đồng đội trong Sư đoàn 320 năm xưa.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão gặp lại đồng đội trong Sư đoàn 320 năm xưa.

Cửa mở Tây Bắc Sài Gòn đã thông, tạo điều kiện cho đội hình của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 lần lượt vượt qua căn cứ Đồng Dù, tiến nhanh về Sài Gòn, đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy. Đơn vị ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông cho biết: “Trận đánh quá ác liệt. Trong tâm trí tôi, hình ảnh khu vực cửa mở mù mịt khói và những chiến sĩ ta lần lượt hy sinh cứ mãi ám ảnh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 đã hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, trước ngày ca khúc khải hoàn mừng ngày toàn thắng. Đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320, ngày 29-4-1975 là một ngày không bao giờ quên”.

Căn cứ Đồng Dù năm xưa nay là khu vực doanh trại của Sư đoàn 9, Quân đoàn 34. Trước ngày đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão nhớ đến đồng đội mình, những người đã mãi mãi cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, anh dũng hy sinh vào ngày 29-4-1975 để có ngày 30-4-1975 lưu danh lịch sử.

“Nhắc lại trận đánh lịch sử năm xưa như nén tâm hương tri ân những người đã ngã xuống cho hòa bình, thống nhất đất nước. Hòa bình quý lắm!”, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hữu Mão tâm sự.

HÙNG KHOA (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/nho-dong-doi-truoc-ngay-dai-le-826312