Nhớ rau choại rừng

Trong chuyến công tác về các xã Mỹ Bình, Mỹ Quới, Vĩnh Quới của TX. Ngã Năm (Sóc Trăng), tôi tình cờ bắt gặp những sạp rau choại được bày bán dọc đường. Nhìn về phía bên kia dọc theo bờ sông cạnh đám lá dừa nước là hình ảnh xanh mướt của dây choại, trên những đọt non còn đẫm nước của cơn mưa những ngày tháng 10, đó là lúc mùa rau này bắt đầu.

Tôi sinh ra cũng ở vùng quê Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm, vùng đất trũng phèn ngày nào nay đã thay da đổi thịt, đường làng khang trang, ngõ xóm hiện đại, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nay dường như không còn nữa, duy chỉ một điều hình ảnh rau choại mọc ken dày trong đám lá dừa dọc theo các con sông thì vẫn không thay đổi, nơi đây còn là cả một khoảng trời ký ức “đầy phèn” của tuổi thơ tôi.

Thuở trước giao thông còn cách trở, người dân quê tôi muốn đến chợ thì mất cả ngày trời, vì vậy bà con thường tận dụng những thứ sẵn có trong vườn nhà để làm thức ăn. Cá thì giăng câu, đặt dớn dưới sông hay trên ruộng vào mùa nước nổi. Rau thì là những loại tập tàng như càng cua, mồng tơi, nhãn lồng, rau choại… Và có lẽ rau choại đã trở thành một thứ luôn hiện diện trong mỗi buổi cơm của gia đình.

Rau choại có hương vị ngọt thanh tự nhiên, ăn vào có cảm giác trơn trơn như đậu bắp nhưng ngọt và ngon hơn nhiều. Rau choại ngon nhất là phần đọt non nên hay gọi là đọt choại. Nếu thích đơn giản, nhanh chóng thì đọt choại luộc chín là phương án ưu tiên số một. Người dân quê tôi rất thích luộc đọt choại rồi chấm với mắm kho dầm thêm chút ớt tươi, vị ngọt của đọt choại hòa chung với vị mặn mà của mắm kho, chút cay nồng của ớt chính là hương vị tuyệt hảo. Mẹ tôi cũng hay dùng đọt choại nấu canh với cá rô đồng, mùa mưa cá rô mập mạp nấu kèm với rau choại tươi non sẽ cho ra một món canh đầy đủ hương vị ngọt thanh, ăn một lần rồi nhớ mãi. Không thì đọt choại nấu canh hay nhúng lẩu cũng là lựa chọn được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt là món canh chua, khi nhúng thêm đọt choại vào thì sẽ tăng thêm vị ngọt và mùi thơm khiến món canh thêm phần hấp dẫn. Đơn giản vậy đó mà mấy chị em tôi rồi tụi con nít cùng xóm đứa nào cũng no tròn, khỏe mạnh.

Quê tôi người dân hay gọi cây choại là rau “chạy”. Rau choại có một sức sống mạnh mẽ, hằng năm sau mùa khô hạn, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hột, mặt đất xâm xấp nước, cây cỏ mát mình là loại dây rừng này sinh sôi nảy nở, bò vượt lên cao, bám vào thân cây tạo thành bụi rậm um tùm. Rau choại cũng có nhiều loại khác nhau, nếu là rau choại mọc hoang trong rừng thì toàn thân sẽ có màu xanh pha chút hồng tươi hoặc hồng đậm. Còn loại rau choại vườn thì mọc tự nhiên ở những nơi gần bờ mương, bờ tre, rau choại vườn có thân cao, to và tròn trịa hơn loại mọc trong rừng. Rau choại sinh sôi, nảy nở tốt vào mùa mưa, nhất là mưa đầu mùa sau những cơn nắng hạn gay gắt, khi những hạt nước đầu tiên thấm xuống đất, mặt đất bắt đầu mềm mại thì chính là lúc loại rau này xuất hiện. Sức sống mãnh liệt của loại rau này đến độ mới hôm qua ngắt ngang đọt, qua hôm sau là đọt lại xanh non.

Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho mỗi vùng miền một sản vật. Cây rau choại ở Vĩnh Quới quê tôi không chỉ tạo nên một nhịp sống mới cho bà con trong chuyện làm ăn, mà còn là nét độc đáo về văn hóa ẩm thực. Xưa kia, đọt choại là món ăn dân dã chỉ quanh quẩn trong các bếp nghèo. Giờ loại rau này đã trở thành đặc sản nổi tiếng và hiện diện trong nhiều quán xá, nhà hàng sang trọng, nhiều người sành ăn có dịp về quê là thế nào cũng tìm mua cho bằng được. Vì vậy mà bà con giờ có thu nhập ổn định từ nghề bán loại rau đặc sản.

Tuy không cao lương mỹ vị nhưng những món ăn từ rau choại luôn có dư vị riêng, đó chính là hương vị quê nhà để ai đến với Vĩnh Quới cũng muốn một lần thưởng thức, để ai đi xa cũng phải nhớ về.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nho-rau-choai-rung-54770.html