Nhờ văn hóa doanh nghiệp, nhiều quỹ ngoại sẵn sàng rót vốn đầu tư
Chuyên gia nhận định, văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những tiêu chí thu hút các quỹ đầu tư quốc tế lựa chọn 'xuống tiền' cho doanh nghiệp Việt.
Trong khuôn khổ lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa GapoWork với NEWING sáng 17/4, các chuyên gia đã chia sẻ về những sai lầm và bài học khi triển khai thay đổi thói quen và hành vi của đội nhóm (xây dựng văn hóa doanh nghiệp).
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Phát triển Văn hóa và Lãnh đạo NEWING cho biết, trong quá trình làm việc, bà đã đồng hành với hơn 40 doanh nghiệp Việt lớn nhỏ, từ đó rút ra nhận định văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những tiêu chí thu hút các quỹ quốc tế sẵn sàng “xuống tiền” đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.
Bà Giang cho hay, văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên 2 nền tảng giá trị cốt lõi và tầm nhìn của doanh nghiệp. Điều này cần được đánh giá, điều chỉnh thường xuyên để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. “Để thay đổi thói quen và hành vi của mọi người, doanh nghiệp cần có công cụ, giải pháp giao tiếp giúp các hoạt động văn hóa được duy trì mỗi ngày và không ngừng nhắc lại”, bà Giang nói.
Đồng thời, bà Giang cho rằng muốn truyền tải năng lượng, thái độ làm việc đến nhân sự thì bản thân lãnh đạo phải là người có năng lượng. Lãnh đạo sống thật với cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình, vui vẻ, đam mê sẽ tạo cảm hứng cho những người xung quanh.
“Người lãnh đạo giống như cây xanh, nếu lãnh đạo chăm chút cho cái cây của mình xanh tốt, sum suê, tràn đầy năng lượng thì những người xung quanh “ghé” vào sẽ thấy “mát”", bà Giang ví von.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Tâm Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Tổng Giám đốc Nhân sự GreenFeed nhìn nhận, khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, người lãnh đạo chiếm vai trò vô cùng quan trọng. “Văn hóa doanh nghiệp nên đi từ giấc mơ của người sáng lập doanh nghiệp”, bà Trang nói.
Bà Trang cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với những thay đổi của thời cuộc, nhưng giá trị cốt lõi phải xuyên suốt. Việc thiết lập văn hóa, giá trị cốt lõi phải đảm bạo thế hệ nhân sự trước – sau, cũ - mới đều có thể theo đuổi và bám sát. Để có thể làm được như thế, văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng theo hướng “từ trên xuống và từ dưới lên”, cụ thể là mối quan hệ hai chiều.
“Không chỉ người lãnh đạo viết ra và kiến tạo văn hóa doanh nghiệp, mỗi một thành viên trong công ty đều nên trở thành người kiến tạo văn hóa doanh nghiệp”, bà Trang phân tích.
Từ thực tiễn xây dựng văn hóa tại doanh nghiệp mình, bà Trần Thị Huyền - Đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc Edufit cho biết, tầm nhìn hiến chương là khởi nguồn đầu tiên của văn hóa doanh nghiệp. Khi đã có tầm nhìn hiến chương, các đội nhóm trong doanh nghiệp đã tìm kiếm, phân tích và lựa chọn ra giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để triển khai đào tao, tập trung phát triển văn hóa, con người theo hướng đó.
Bà Huyền cho rằng, để xây dựng nên các tiêu chí văn hóa doanh nghiệp cần khởi nguồn từ dàn lãnh đạo, lãnh đạo cần thực hiện và làm gương, từ đó lan truyền văn hóa đến đội ngũ lãnh đạo cấp trung để sử dụng như “cánh tay nối dài” tới đội ngũ nhân viên.
“Khi nhân sự nhìn vào Founder, CEO của doanh nghiệp sẽ chủ động quan sát, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp thông qua “tấm gương” là người lãnh đạo”, bà Huyền nói
.