Nhóm cổ phiếu nào có thể tích cực sau Tết Nguyên đán
Giới phân tích kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể tích cực dần trở lại sau giai đoạn khó khăn nửa đầu tháng 1. Theo đó, các nhóm cổ phiếu theo những câu chuyện đầu tư năm nay có thể trở thành mục tiêu lựa chọn, như đầu tư công, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp.
Chứng khoán đang trải qua những phiên giao dịch giằng co trong nửa đầu tháng 1/2025. VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức hơn 1.266 điểm, nhưng đã giảm gần 4% sau hai tuần đầu của năm mới. Áp lực tỷ giá, khối ngoại bán ròng, cùng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư những ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến giao dịch có khuynh hướng thu hẹp. Thanh khoản liên tục ghi nhận ở mức thấp, dưới 10.000 tỷ đồng trên HoSE.
Đầu tư công và sự phục hồi của bất động sản là câu chuyện đầu tư năm 2025
Theo Chứng khoán SSI, để có thể đạt mức tăng trưởng GDP hai con số như mục tiêu của Thủ tướng, việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng và sự phục hồi của ngành bất động sản, sẽ là hai chủ điểm đầu tư trong năm 2025. Đây là lý do tại sao SSI Research lạc quan hơn về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm nay, trong khi việc nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) sẽ tạo động lực cho các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, ngành bán lẻ tiếp tục là ngành được nhóm phân tích cho rằng có thể ưu tiên lựa chọn trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa sẽ dần hồi phục và tăng trưởng về dài hạn.
Theo Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), về mặt định giá, nhịp điều chỉnh của VN-Index trong những ngày đầu năm 2025 đã khiến P/E của thị trường giảm từ 13,29x cuối tháng 12/2024 xuống 12,97x tại ngày 9/1/2025, thấp hơn -1 độ lệch chuẩn (Std) của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 dự kiến ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm.
Đi cùng với nhịp điều chỉnh của chỉ số, các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 cũng có định giá thấp hơn, P/E là 11,92x, thấp hơn so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,42x) và VNSML (14,21x).
"Chúng tôi cho rằng mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực, trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trở lại" - nhóm phân tích từ Chứng khoán An Bình nhận xét.
Trước áp lực về tỷ giá và ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm, ABS cho rằng dòng tiền nội vào thị trường có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Với diễn biến này, khả năng VN-Index chưa đạt được sự bứt phá mạnh trong giai đoạn ngắn hạn.
Quan điểm này cũng tương đồng với nhận xét của ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS). Theo chuyên gia này, thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng 5, do giai đoạn này thường là thời điểm nhà đầu tư trong nước và quốc tế "Sell in May" do trũng thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý I. Thị trường được dự báo tích cực dần từ cuối quý II, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.
Cơ hội nào từ mức nền thấp
Trong ngắn hạn, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là thế giới đang chờ đợi ngày ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ (ngày 20/1/2025), với dự kiến sẽ có nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại. Nhiều nước đã phải chuẩn bị đối mặt với việc Mỹ áp dụng chính sách thương mại thắt chặt với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, có thể khiến kinh tế toàn cầu thêm khó khăn.
Trong khi đó, sản xuất và việc làm vẫn đang thu hẹp tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, UK… Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ hồi phục trong ngắn hạn, chưa thật sự bền vững khi có nguy cơ phải đối mặt các mức thuế quan mới, trong khi vẫn đang phải ứng phó với các yếu tố bất lợi khác (nhu cầu trong nước còn yếu, giá đầu ra tiếp tục sụt giảm…).
Tuy nhiên, với Việt Nam, giới phân tích cho rằng bức tranh vĩ mô đang theo chiều hướng tích cực, với GDP tăng trưởng mạnh hơn 7% nhờ sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ngành du lịch duy trì đà tăng trưởng mạnh, xuất nhập khẩu và giải ngân FDI tiếp tục lập kỷ lục, lạm phát trong tầm kiểm soát…Tăng trưởng tín dụng bứt tốc trong các tháng cuối năm, đạt 15,08%.
Theo giới phân tích, những câu chuyện lớn trong năm 2025 như tăng đầu tư công, nâng hạng thị trường hay những ảnh hưởng có thể tới từ chính sách thuế quan mới sẽ là luận điểm chính cho vấn đề đầu tư. Điều này cũng là căn cứ cho việc tích lũy dần cổ phiếu ở những giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ở nhóm đầu tư công, những cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực như thép, xi măng được giới phân tích kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhờ câu chuyện tăng đầu tư trong năm 2025. Trong đó, các dự án lớn như tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể tạo hiệu ứng tích cực lên kết quả kinh doanh của nhóm này. Với nâng hạng thị trường, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có thể trở lại sau quá trình bán ròng liên tục, những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể được hưởng lợi.
Trong khi đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất để tránh hàng rào thuế quan "Trump 2.0" có thể giúp cổ phiếu khu công nghiệp được chú ý. Những phiên đầu tháng 1, trong giai đoạn thị trường giằng co, nhiều thời điểm những mã nhóm khu công nghiệp trở thành tâm điểm của thị trường.
"Tôi kỳ vọng vào ngày nhậm chức, ông Trump sẽ ký tăng thuế, nhưng ở mức 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và chỉ một số mặt hàng mới đạt 60%. Khi ông Trump thay đổi quan điểm, thị trường quốc tế cũng sẽ phản ứng và chúng ta có thể kỳ vọng thị trường vẫn tích cực vào năm sau. Đó là lý do vì sao tôi chờ đợi đến tận những ngày cận Tết Nguyên đán" - ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS, nhận xét./.