Nhóm hàng Việt Nam dự kiến chịu tác động lớn nhất từ thuế quan Mỹ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, hầu hết sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ hiện đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo.

Hầu hết sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường Mỹ đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá mức thuế đối ứng 46% Mỹ dự kiến áp dụng với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam từ ngày 9/4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời, ảnh hưởng đến phát triển của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.
Điểm mặt nhóm hàng xuất khẩu chịu tác động lớn nhất
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày... dự kiến bị ảnh hưởng.
“Phần lớn hàng hóa chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin và cho biết hàng hóa lĩnh vực này sẽ đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan tới các hợp đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với đối tác Mỹ, thuế quan có thể khiến doanh nghiệp Mỹ xem xét có tiếp tục hợp đồng hay không, cũng như việc ký kết các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Mỹ để đàm phán giải pháp hài hòa lợi ích hai bên.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, tăng cường làm việc ở các cấp của Mỹ nhằm làm rõ quan điểm của Việt Nam trong hoạt động thương mại với Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài tại phiên họp báo Chính phủ chiều 6/4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thời gian tới, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Mỹ, phối hợp xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ, do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Công Thương làm Tổ phó, thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Thời gian tới, Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Mỹ.
Giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp Việt
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dự kiến gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Một trong những giải pháp quan trọng là tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Đồng thời, cần đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA mới với các thị trường Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Thứ trưởng cũng cho rằng cần tăng cường và nâng cao hiệu quả việc xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển; cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại; mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài...
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định dù phải đối diện với nhiều thách thức, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, từ đó kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Trên cơ sở các FTA đã có, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, và tăng cường năng lực phòng vệ thương mại...
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.