Nhóm học sinh Trường THPT Hội Hoan: Chế tạo sản phẩm đuổi côn trùng từ cây màng tang
Màng tang là cây gỗ nhỏ, thuộc họ long não, quả mọng hình tròn hay hình trứng, khi chín màu đen, mùi rất thơm. Theo dân gian, nước hoặc tinh dầu chưng cất từ lá và quả màng tang có thể xua đuổi côn trùng. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu Trường THPT Hội Hoan, huyện Văn Lãng gồm Hứa Vân Anh, Hà Phương Nga dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Anh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hội Hoan, giáo viên môn Sinh học đã triển khai dự án: 'Nghiên cứu tạo sản phẩm đuổi côn trùng từ cây màng tang'.
![Đại diện nhóm tác giả Trường THPT Hội Hoan, huyện Văn Lãng ( vị trí thứ 8 từ phải sang) nhận giải thưởng tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_437_51415942/7d389807a04949171058.jpg)
Đại diện nhóm tác giả Trường THPT Hội Hoan, huyện Văn Lãng ( vị trí thứ 8 từ phải sang) nhận giải thưởng tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024
Em Hứa Vân Anh, Lớp 11H3 (năm học 2023 – 2024), Trường THPT Hội Hoan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Trong đời sống hằng ngày, các loại côn trùng như ruồi, mỗi, kiến, gián, bọ, ve, mọt gạo… gây cho con người không ít phiền toái. Sự phát triển quá mức của các loại côn trùng này có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, cũng như các loại hạt khô tích trữ trong gia đình. Sử dụng các loại thuốc hóa học có thể tiêu diệt côn trùng nhanh chóng song phần nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, trong khi kinh nghiệm dân gian có nhiều phương pháp để xua đuổi côn trùng từ những cây cỏ tự nhiên. Chính vì vậy, chúng em đã bắt tay vào thực hiện dự án “Nghiên cứu tạo sản phẩm đuổi côn trùng từ cây màng tang”.
Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu thân, lá cây màng tang trong tự nhiên. Sau khi sơ chế nguyên liệu thì tiến hành nghiền nhỏ rồi sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tách, chiết lấy tinh dầu, cao chiết nước và cao chiết cồn của cây màng tang. Từ các chế phẩm tách, chiết được, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm nhằm xác định thành phần hóa học.
Qua nghiên cứu cho thấy trong cao chiết cây màng tang chứa một số nhóm hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh học tốt, được ứng dụng làm thuốc chữa bệnh như: hợp chất polyphenol, alkaloid, saponin, flavonoid và cumarin…
Nhóm nghiên cứu tiến hành pha tinh dầu lá màng tang với nước cất, Acid acetic và một số phụ gia để tạo ra sản phẩm đuổi côn trùng. Khi xịt trong nhà, phòng học, khu vực bếp, chuồng nuôi gia súc, gia cầm… sản phẩm có mùi thơm từ tinh dầu tự nhiên, có tác dụng tích cực trong việc đuổi ruồi, muỗi, kiến, gián và tiêu diệt mọt gạo. Hiệu quả kéo dài trong vài ngày đến vài tuần tùy theo đặc tính của từng loại côn trùng. Chi phí để sản xuất 1.000ml chế phẩm tinh dầu màng tàng chỉ khoảng 60.000 đồng, nếu sản xuất với số lượng lớn và đại trà giá thành sẽ thấp hơn.
Cùng với đó, tinh dầu, cao chiết nước và cao chiết cồn của cây màng tang cũng được nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng kháng khuẩn, kháng nấm. Kết quả cho thấy tinh dầu, cao chiết nước và cao chiết cồn của cây màng tang đều có hoạt tính kháng khuẩn tốt với các chủng vi khuẩn: Escherichia coli (gây bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm ruột viêm lỵ trực khuẩn), Staphylococcus aureus (gây mủ các vết thương, vết bỏng, gây viêm họng, nhiễm trùng có mủ trên da và các cơ quan nội tạng), Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng da, mô mềm, nhiễm trùng đường hô hấp; có khả năng kháng nấm tốt với các chủng nấm Caldida albican, Aspergillus brasiliensis, Aspergillus flavus.
Thầy Hoàng Anh Tú, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Quá trình nghiên cứu nhóm gặp rất nhiều khó khăn như kinh phí hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế nên việc thực hiện các thí nghiệm chuyên sâu là không khả thi. Để dự án đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi đã liên kết với Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên để thực hiện các thí nghiệm. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực.
Ứng dụng kiến thức dân gian để phát triển các sản phẩm phục vụ đời sống, sản xuất theo hướng tiện lợi, dễ sử dụng, thân thiện với mỗi trường đang là xu hướng được người tiêu dùng đón nhận. Mong rằng, thời gian tới, dự án “Nghiên cứu tạo sản phẩm đuổi côn trùng từ cây màng tang” sẽ tiếp tục được quan tâm, phát triển thành sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống, sản xuất.
Tại cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024, dự án “Nghiên cứu tạo sản phẩm đuổi côn trùng từ cây màng tang” đã đoạt giải khuyến khích.