Những 'bí quyết' để mở rộng lưới an sinh của một cán bộ ở Hòa Bình
Quá trình mở rộng lưới an sinh trên địa bàn TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình thời gian qua có những chuyển biến tích cực, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những cán bộ BHXH, Bưu điện TP, trong đó có anh Lê Hồng Đô - một tấm gương sáng của ngành.
TP. Hòa Bình những năm qua có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, với đặc thù của khu vực vùng cao, đời sống của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động khu vực phi chính thức còn không ít khó khăn, vì vậy việc lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là một thách thức, đòi hỏi nhiều tâm huyết của cán bộ làm công tác BHXH.
Không quản ngại khó khăn
Trong bối cảnh đó, tháng 3/2022, anh Lê Hồng Đô được điều chuyển công tác từ huyện Kim Bôi ra làm Giám đốc Bưu điện TP. Hòa Bình. Kể từ đó đến nay, anh liên tục đưa ra những sáng kiến, góp phần giúp công tác tuyên truyền, lan tỏa chính sách BHXH trên địa bàn hiệu quả hơn.
Tới một môi trường làm việc mới, anh Đô đã năng động xây dựng kế hoạch theo tháng, đồng thời có những chiến lược cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình, trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, anh Đô chủ động phối hợp chính quyền xã, phường xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn, sàng lọc khách hàng tiềm năng để tư vấn.
Cùng với đó, anh Đô cũng tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan BHXH chuyên trách để từng bước thay đổi hình thức tuyên truyền, từ các hội nghị lớn, lồng ghép vào các hội nghị nhỏ hơn. Các đơn vị phụ trách sẽ chia thành tổ nhóm tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng theo nhóm, tiến hành đến từng xóm, tổ, hộ gia đình.
Ở những nơi mà người dân đi làm cả ngày, các nhóm tuyên truyền chính sách BHXH sẽ linh hoạt tổ chức gặp gỡ, tư vấn, giải đáp các thắc mắc vào buổi tối hoặc các ngày nghỉ. Sau các buổi tuyên truyền, các nhóm sẽ chú trọng công tác sau bán hàng như thu BHXH, BHYT tại nhà…
“Không chỉ bỏ công tư vấn ngoài giờ, trong những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi còn tổ chức đến tận nhà, bất kể xa hay gần, để thu tiền thay vì yêu cầu người tham gia BHXH đến trụ sở chính để nộp. Tuy vất vả cho cán bộ thu nhưng với hình thức này, nhiều người tiết kiệm được chi phí để tham gia”, anh Đô chia sẻ.
Xác định đối tượng tiềm năng
Chia sẻ về “bí kíp” nâng cao hiệu quả khi làm công tác tuyên truyền, anh Lê Hồng Đô cho rằng mỗi cán bộ làm công tác BHXH cần làm việc bằng cả cái tâm của mình, luôn sẵn sàng giúp đỡ người lao động bằng cả tấm lòng, trao đi sự chân thành sẽ nhận lại được sự tin tưởng.
Bên cạnh cái tâm, cán bộ BHXH phải nắm vững kiến thức, từ đó giải đáp nhanh gọn, dễ hiểu, thấu tình đạt lý cho người dân khi cần. Để làm được, anh Đô luôn chủ động bồi dưỡng kiến thức, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến những chính sách, quy định mới, để hiểu rõ, sâu sắc nhất về chính sách BHXH, BHYT trong từng thời kỳ.
Cùng với đó, theo anh Đô, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cán bộ BHXH phải linh hoạt, nghiên cứu kỹ để xác định đối tượng tiềm năng, từ đó có kế hoạch truyền thông tốt, phù hợp. Đơn cử, trên địa bàn thành phố, một số phường, xã có dự án thu hồi đất nên có nhiều hộ dân được đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là đối tượng khách hàng tiềm năng cần được đẩy mạnh tuyên truyền BHXH tự nguyện.
Sở dĩ xác định đây là đối tượng tiềm năng là bởi sau đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều người lần đầu cầm số tiền lớn thích mua sắm, xây dựng nhà cửa hoặc chi tiêu phung phí, nhiều hộ còn lúng túng chưa biết quản lý tài chính hay kế hoạch lâu dài cho phù hợp. Lúc này, cán bộ bưu điện vừa là người tuyên truyền chính sách BHXH vừa là người tư vấn tài chính cho khách hàng.
“Như phương án tài chính khách hàng có một khoản tiền 60 triệu đồng gửi tiết kiệm bưu điện với lãi suất 6,7%/năm. Sau một năm lấy lãi, khách hàng tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, khách hàng không bỏ thêm tiền để đóng BHXH. Sau 20 năm, khách hàng còn tiền gốc gửi tiết kiệm và được hưởng lương hưu trên 2 triệu đồng/tháng. Với khoản lương này, khách hàng an tâm dưỡng già, không phải phụ thuộc gia đình, ốm đau có thẻ BHYT đi khám bệnh”, anh Đô lấy dẫn chứng.
Bên cạnh những đối tượng đặc thù như trên, với những khách hàng có nguồn thu nhập thường xuyên hàng ngày chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm 13 nghìn đồng, mỗi tháng tích lũy được hơn 400 nghìn đồng. Sau 20 năm đóng bảo hiểm được hưởng lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng.
Linh hoạt mở rộng lưới an sinh
Chính nhờ những cán bộ giàu tâm huyết như anh Đô, công tác lan tỏa chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn TP. Hòa Bình nói riêng và toàn tỉnh Hòa Bình nói chung ngày càng nâng cao hiệu quả.
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH bắt buộc của tỉnh là 78.527 người, đạt 95% kế hoạch. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 12.859 người, đạt 78,3% kế hoạch, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 70.045 người, đạt 90,9% kế hoạch. Số người tham gia BHYT là 777.730 người, đạt 94,36% kế hoạch, tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,39% dân số.
Để đạt được các kết quả trên, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
BHXH tỉnh cũng liên tục đổi mới, tăng cường công tác truyền thông, trên mạng Internet, khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành BHXH là một tuyên truyền viên để giới thiệu, vận động người dân tham gia.
Cùng với giao chỉ tiêu phát triển đối tượng ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH huyện và từng Đại lý thu nhằm tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đến người dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân tham gia vào chính sách an sinh xã hội.
Với những lợi ích thiết thực mang lại, BHXH tự nguyện thật sự là “điểm tựa” vững chắc cho người lao động khu vực phi chính thức khi về già.