Những biện pháp cấp bách cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội
Hà Nội sẽ di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông... để khắc phục ô nhiễm không khí.
Di dời cơ sở ô nhiêm, xiết chặt khí thải phương tiện giao thông
Làm việc với TP Hà Nội về các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ngày 26/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng TP Hà Nội và các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng đề án giải quyết ô nhiễm không khí. Kế hoạch, trách nhiệm cụ thể của bộ ngành, địa phương kèm theo cơ chế cần được làm rõ.

Hà Nội quyết liệt thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh: Tuấn Anh
Để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, ba Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công an, Xây dựng được giao phối hợp với thành phố "nắm rất rõ" nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng. Một số giải pháp được Phó thủ tướng gợi ý là di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây. Theo kết quả quan trắc của cơ quan môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Với quy mô dân số hơn 8 triệu, mật độ 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với trung bình cả nước, số phương tiện giao thông đặc biệt lớn (1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy), tháng 7/2021 thành phố đã ban hành kế hoạch đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Thành phố cũng đã thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
Hà Nội cũng đang thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, hạn chế hoặc cấm ôtô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Hoàng Văn Thức nhận định, để giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm, Hà Nội cần áp dụng cách tiếp cận đa ngành, đa địa phương trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, việc tạo ra những đột phá về thể chế và chính sách đóng vai trò then chốt.
"Thành phố cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong chế tài xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, chẳng hạn như áp dụng hình phạt tài chính lũy tiến theo ngày đối với các đơn vị vi phạm để tăng tính răn đe", ông Thức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận trong công tác bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn các nguồn ô nhiễm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình hành động chung giữa Hà Nội và các bộ, ngành trung ương.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, các vấn đề như ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5, ô nhiễm nguồn nước, áp lực từ rác thải rắn và tác động của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Ông Đại khẳng định bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội, hàng loạt chính sách đã được Trung ương và Thành phố triển khai trong thời gian qua. Ba văn kiện mới đây gồm Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 và hai Quy hoạch Thủ đô vừa được phê duyệt đã đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu trong số những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong giai đoạn 2025 - 2030.
"Trong đó, Luật Thủ đô sửa đổi đã đề cập đến việc xác định vùng phát thải thấp, còn trong Quy hoạch Thủ đô, nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách, cần có các biện pháp triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ.", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nói.
TS Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ô nhiễm không khí là vấn đề "nóng" của Hà Nội với chỉ số nồng độ trung bình PM2.5 cao, vượt quá quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2023) gấp 1,5-2 lần trong nhiều ngày. Số ngày AQI năm 2023 với mức độ Tốt chỉ chiếm 15% , Trung bình 50%, Kém và Xấu là 34%. Đáng chú ý có sự phân bố không đều về mức độ ô nhiễm giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành Hà Nội.
Cũng theo chuyên gia này, chất lượng không khí của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ bị ảnh hưởng bởi yếu tố khí hậu thời tiết: gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm). Đặc biệt ô nhiễm trong những tháng mùa đông từ tháng 10 năm trước đến tháng 3-4 năm sau. Bên cạnh đó, chất lượng không khí Hà Nội bị ảnh hưởng nhiều từ các tỉnh lân cận: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội do các nguồn thải từ giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, đốt phụ phẩm nông nghiệp và từ các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, nước thải sinh hoạt (đô thị và nông thôn) chưa được thu gom và xử lý tốt, tỉ lệ xử lý nước thải sản xuất tại các cụm công nghiệp và một số cơ sở sản xuất nhỏ, làng nghề làng tái chế rất thấp gây ô nhiễm các dòng sông, hồ và nước ngầm của Hà Nội.
TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh giải pháp về chuyển đổi số để chuyển đổi xanh trong giai đoạn 2025 – 2030; tiếp cận đa ngành; quản lý chất thải sinh hoạt; liên kết vùng...
Ngoài ra, theo TS. Hoàng Dương Tùng, cơ hội giải quyết ô nhiễm không khí và các vấn đề môi trường của Hà Nội hiện đã chín muồi nên chỉ cần sự quyết tâm và chung tay của tất cả các bên, với các giải pháp cấp bách và hiệu quả, tình trạng ô nhiễm không khí của của Thủ đô sẽ dần được giải quyết.