Những 'cánh chim' khoa học về đất mẹ
Khi kể về Trung tâm ICISE của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, GS Sheldon Lee Glashow (giải Nobel Vật lý 1979, Đại học Harvard, Mỹ) từng nhấn mạnh, đây là 'kho báu vô giá' và 'di sản khoa học' không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Hôm nay, di sản vô giá ấy đang được những người con trên đất Việt kế thừa, ấp ủ để làm rạng danh tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Đất lành
Thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) vốn là mảnh đất duyên nợ, gắn với tên tuổi của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nơi đây, cũng từng che chở, hồi sinh hàng ngàn mảnh đời bị bệnh phong. Năm 2008, trên mảnh đất duyên phận ấy, vợ chồng GS Trần Thanh Vân (một trong ba người châu Á đoạt Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ) và GS Lê Kim Ngọc (nhà khoa học khám phá về Lát mỏng tế bào) từ Pháp trở về, chọn đây làm nơi đặt trung tâm gặp gỡ khoa học cho cả Việt Nam và thế giới. Từ quyết định của hai vị giáo sư già, những triền đất rậm rì, ngập nước, hoang hóa ở Quy Hòa dần được khơi dậy trở thành những phân khu khoa học, như: Trung tâm ICISE; Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo; Công viên sáng tạo TMA; Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software...
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, kể lại chặng đường trở về Việt Nam của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc: Ông bà đã giúp trên 47.000 suất học bổng Việt Nam - Vallet cho học sinh, sinh viên xuất sắc trong nước (trị giá khoảng 350 tỷ đồng); mang về 2.250 suất học bổng hàng năm cho học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam (1,7 triệu USD/năm); hỗ trợ trên 120 sinh viên tài năng tham dự chương trình đào tạo kỹ sư ở Pháp (INSA)/năm; xây dựng 3 ngôi làng SOS ở các thành phố Huế, Đà Lạt, Đồng Hới. Đặc biệt, ông bà đã điều hành ICISE tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, chuyên đề đào tạo miễn phí về khoa học; mời đến Việt Nam trên 12.500 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia, trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel…
Không những thế, bằng uy tín của mình, vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã quy tụ được rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng gốc Việt trên thế giới trở về đóng góp cho đất nước, như: GS Phạm Quang Hưng (nhà vật lý học - nguyên giảng viên Đại học Virginia, Mỹ), GS Ngô Bảo Châu (huy chương Fields, Đại học Chicago, Mỹ), GS Lưu Lệ Hằng (giải thưởng Kavli, Đại học Harvard, Mỹ), GS Đàm Thanh Sơn (huy chương Dirac; Đại học Chicago, Mỹ), TS Trịnh Xuân Thuận (Đại học Virginia, Mỹ), TS Trần Nhân (Phòng thí nghiệm máy gia tốc Quốc gia Fermi, Mỹ), PGS-TS Ngô Xuân Kiên (Đại học Kanazawa, Nhật Bản)… Trong đó, TS Nguyễn Trọng Hiền (chuyên gia nòng cốt tại NASA) là người dành nhiều tình cảm mến phục đối với vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Năm 2022, TS Nguyễn Trọng Hiền cùng 2 nhà khoa học gốc Việt khác là TS Hoàng Chí Thiêm (Viện Khoa học vũ trụ và thiên văn học Hàn Quốc),
TS Nguyễn Lương Quang (American University of Paris) đã thành lập, nhận đỡ đầu Nhóm Vật lý thiên văn SAGI thuộc Viện Vật lý IFRISE (Trung tâm ICISE) và giúp đỡ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam.
“Quả ngọt” đang chín
Sinh ra ở vùng quê miền Trung, TS Cao Văn Sơn (nhà vật lý năng lượng cao) từng nghiên cứu, làm việc ở Mỹ, Nhật Bản cũng lựa chọn trở về quê hương để làm việc dưới “mái nhà” của vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Thế mạnh của TS Cao Văn Sơn là nghiên cứu về vật lý hạt, anh say sưa tìm kiếm những điều mới mẻ của một hạt cơ bản mà giới khoa học gọi nó là “hạt ma” (hạt neutrino). Hạt neutrino trong vật lý đương đại giúp con người có thêm nhiều hiểu biết về vũ trụ, nguồn gốc sự sống ở trái đất.
Từ năm 2016, TS Cao Văn Sơn được GS Trần Thanh Vân giao điều hành Viện Nghiên cứu Vật lý IFRISE (trực thuộc Trung tâm ICISE). IFRISE được thành lập dựa trên ý tưởng của GS Jerome Friedman (giải Nobel Vật lý 1990) và GS Trần Thanh Vân nhằm tận dụng, kế thừa chất xám từ các gặp gỡ khoa học ở ICISE. Trong quá trình phát triển đến nay, Viện IFRISE đã “sản sinh” nhiều hạt giống mới cho Việt Nam, trong đó có 2 người lấy bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu cao hơn ở Nhật Bản; 1 người ở Ấn Độ; 2 người đang tiếp tục lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ; 2 bạn trẻ khác vừa tốt nghiệp tiến sĩ ở châu Âu… Từ năm 2017, Viện IFRISE có 3 thành viên đã tham gia vào 2 thí nghiệm “săn tìm” hạt neutrino lớn bậc nhất thế giới đặt tại Nhật Bản. Đây là 2 thí nghiệm rất lớn, đều gặt hái được các giải thưởng danh giá như Nobel Vật lý 2015 và Breakthrough (năm 2016)…
Viện IFRISE vừa đề xuất lãnh đạo Bộ KH-CN xin đại diện Việt Nam tham gia thí nghiệm mới nhất, có quy mô lớn nhất ở Nhật Bản với sự tham gia của 12 quốc gia cùng Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu. Thí nghiệm này có tên Hyper - Kamiokande, được giới khoa học thế giới kỳ vọng “gặt hái” được các giải thưởng Nobel Vật lý và giải Breakthrough từ các tìm kiếm mới về hạt neutrino…
“Khi tham gia thí nghiệm Hyper – Kamiokande, chúng tôi cam kết sẽ thu hoạch trên 10 bài báo học thuật đăng trên các tạp chí uy tín do những nhà khoa học trẻ Việt Nam viết lên. Thí nghiệm này sẽ thúc đẩy đào tạo nhân tài mới về khoa học cho Việt Nam. Điều chúng tôi khao khát nhất là được đại diện đất nước tham gia thí nghiệm tầm cỡ nhất thế giới khi nghiên cứu lĩnh vực rất tiềm năng, để mong nâng tầm khoa học Việt Nam khi bước vào Kỷ nguyên vươn mình”, TS Cao Văn Sơn bày tỏ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-canh-chim-khoa-hoc-ve-dat-me-post779809.html