Là giáo viên, tôi thấy không cần thiết phải thống nhất một bộ SGK chung

Giáo viên bậc trung học phổ thông cảm thấy rất thuận lợi khi dạy một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó là thay sách giáo khoa cuốn chiếu theo từng cấp học, người viết là giáo viên cảm thấy rất thuận lợi khi dạy một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Trong phạm vi bài viết này, người viết nêu những thuận lợi từ trải nghiệm của bản thân sau 3 năm dạy Chương trình mới bậc trung học phổ thông.

Thứ nhất, bản thân tôi nhận thấy mình được nâng cao năng lực chuyên môn hơn rất nhiều khi đọc cả 3 bộ sách giáo khoa: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bởi vì, khi đọc cả 3 bộ sách giáo khoa của Chương trình mới thì tôi nắm dung lượng kiến thức hơn gấp nhiều lần so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Ngoài sách giáo khoa, tôi còn đọc các sách bổ trợ như sách giáo viên, sách bài tập và các tài liệu dạy học bổ trợ có liên quan, chẳng hạn cách ra đề kiểm tra theo ma trận và bản đặc tả theo quy định mới.

Tôi lấy ví dụ, trước đây tôi dạy môn Ngữ văn 12 Chương trình 2006 thì tôi chỉ cần đọc 1 cuốn sách giáo khoa và 1 cuốn sách giáo viên là đủ.

Còn bây giờ, tôi phải đọc 3 cuốn sách giáo khoa, 3 cuốn sách giáo viên và hàng chục tài liệu khác thì mới có thể tự tin đứng lớp để dạy Chương trình Ngữ văn 12.

Thứ hai, dạy Chương trình mới, tôi cảm thấy rất hứng thú vì nội dung các bài học được các tác giả sách giáo khoa biên soạn mới mẻ, thiết thực, phù hợp với xu thế thời hiện đại.

Về hình thức, các bộ sách giáo khoa được in màu, kênh chữ, kênh hình có tính thẩm mĩ, bắt mắt, giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.

Về nội dung, nhiều giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên chia sẻ với tôi rằng, Chương trình mới giàu tính thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp sau khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông.

Còn sách các môn khoa học xã hội cũng được cải tiến rất nhiều so với Chương trình 2006. Một giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở Thành phố Hồ chí minh nhận xét, đây là môn học cốt lõi để giáo dục công dân, đồng thời giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế rất thiết thực trong việc giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Thứ ba, nhiều giáo viên khẳng định, mỗi bộ sách giáo khoa đều có những ưu điểm nhất định, cho thấy đội ngũ tác giả viết sách rất tâm huyết, giàu kinh nghiệm và chuẩn mực về phương pháp sư phạm.

Tôi dạy môn Ngữ văn bộ Cánh Diều ở trường công lập, dạy bộ Chân trời sáng tạo ở trường tư thục nhưng vẫn đọc kĩ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống vì mỗi bộ sách đều có những điểm mạnh khác nhau từ việc lựa chọn tác phẩm cho đến khâu hướng dẫn đọc hiểu văn bản.

Điểm đáng ghi nhận ở cả 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10, 11, 12 đó là nhiều tác phẩm kinh điển vượt thời gian đã được kế thừa và thiết kế cách tiếp cận cách đọc hiểu văn bản cũng rất mới mẻ.

Ví dụ, Chương trình Ngữ 10, 1 có các tác phẩm vượt thời gian như "Thần Trụ Trời" (Thần thoại); một số đoạn trích trong sử thi "Đăm Săn"; thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du;..

Chương trình lớp 12 vẫn giữ lại khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Một trong số đó là các tác phẩm như "Lão Hạc", "Số đỏ", "Con gà thờ",... vẫn còn mang hơi thở của thời đại ngày nay.

Thứ tư, điều mà tôi tâm đắc nhất là Chương trình mới môn Ngữ văn dạy học sinh biết nghiên cứu khoa học một cách bài bản, dạy các em về Luật Sở hữu trí tuệ,... mà Chương trình 2006 không đề cập tới.

Học sinh lớp 10, lớp 11 sau khi học xong Chương trình Ngữ văn thì các em biết cách viết một báo cáo nghiên cứu khoa học bài bản từ việc lựa chọn đề tài; thu thập, phân tích số liệu và đưa ra kết luận thuyết phục.

Trước đây, khi dạy Chương trình 2006, hàng năm hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tôi hầu như phải cầm tay chỉ việc cho các em rất nhiều khâu như: lí do chọn đề tài; tính mới của đề tài; giả thuyết khoa học; phương pháp nghiên cứu; cách trích dẫn tài liệu tham khảo;...

Tuy vậy, năm học 2024-2025, một số học sinh lớp 12 được tôi hướng dẫn thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh thì các em chủ yếu tự lực cánh sinh trong tất các các khâu.

Học sinh được học một số phạm vi kiến thức về viết báo cáo khoa học ở lớp 10, 11, 12 nên các em rất tự tin trong nghiên cứu. Đặc biệt học sinh nhận thức rất rõ về đạo văn hay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu.

Thứ năm, trong quá trình dạy Chương trình 2018, tôi cũng thấy rằng, giáo viên có năng lực, giáo viên trẻ và những thầy cô tâm huyết với nghề rất dễ thích nghi với Chương trình, sách giáo khoa, vì thế việc dạy học mang lại hiệu quả cao.

Những thầy cô giáo này không quan trọng tổ chuyên môn chọn bộ sách giáo khoa nào vì họ nắm chương trình rất vững vàng. Sách giáo khoa chỉ cụ thể hóa chương trình và người thầy khi đã vững chuyên môn thì việc dạy bộ sách giáo khoa nào cũng không còn quan trọng.

Tuy vậy, với những giáo viên yếu chuyên môn, giáo viên lớn tuổi không chịu nghiên cứu tìm tòi, học hỏi thì họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy học ở trên lớp.

Điều dễ nhận thấy là, cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều thầy cô giáo không phân biệt được sự khác nhau giữa chương trình và sách giáo khoa.

Đó cũng là lí do họ muốn hợp nhất 3 bộ sách giáo khoa thành một bộ cho dễ dạy, dễ ra đề kiểm tra hoặc họ khen chê bộ sách này, bộ sách khác mà không hề có căn cứ thuyết phục.

Liên quan đến việc triển khai Chương trình và sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

Theo đó, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét để thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho học sinh cùng cấp học trong cả nước. [1]

Tuy vậy, như đã phân tích ở trên, quan điểm cá nhân người viết cho rằng, không nhất thiết phải thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho học sinh cùng cấp học trong cả nước.

Chỉ có điều, sau năm học 2024-2025, các tác giả và nhà xuất bản cần rà soát lại 3 bộ sách giáo khoa để điều chỉnh nội dung chương trình sao cho phù hợp với thực tiễn giảng dạy.

Việc này, ngành giáo dục cần lấy ý kiến giáo viên đứng lớp một cách cầu thị, nghiêm túc, nghiêm cẩn và thực hiện trong một thời dài thì mới có cơ sở thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-phan-hoi-kien-nghi-cua-cu-tri-ve-viec-thong-nhat-mot-bo-sach-giao-khoa-post856411.html

[2] https://giaoduc.net.vn/xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-giup-phong-phu-tai-lieu-hoc-tap-thuc-day-doi-moi-post248390.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/la-giao-vien-toi-thay-khong-can-thiet-phai-thong-nhat-mot-bo-sgk-chung-post248726.gd