Những 'chiến binh xanh' góp sức vì môi trường
Với diện tích rừng lớn và hệ sinh thái phong phú, Lâm Đồng được ví như lá phổi xanh của Tây Nguyên. Trong những năm qua, Đoàn thanh niên tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà (Lâm Đồng) cùng một số đoàn viên tiêu biểu trong các dự án bảo vệ môi trường.
Một trong những cá nhân tiêu biểu, bạn Đoàn Thị Cẩm Nhung - Bí thư Chi đoàn TDP Thăng Long (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), bạn có thể chia sẻ thêm về mô hình “Câu lạc bộ Sáng tạo xanh” mà mình đang phụ trách?
Mô hình “Câu lạc bộ Sáng tạo xanh” thuộc Đoàn thị trấn Nam Ban là một trong những mô hình hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Hiện CLB đã thu hút hơn 50 đoàn viên, thanh niên tham gia, với các hoạt động chính như tái chế rác thải nhựa thành vật dụng gia đình; bán sản phẩm handmade để gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc ảnh hưởng bởi bão số 3; các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện Lâm Hà. Ý tưởng này cũng đã phát triển thành dự án tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Lâm Hà lần thứ I năm 2024” và đạt giải khuyến khích.
Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 1 năm, tuy nhiên CLB rất tự hào vì thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Mô hình được bà con thị trấn Nam Ban quý mến, ủng hộ bằng những đồ không sử dụng nữa nhưng có khả năng tái chế.
Một mô hình khác cũng rất thú vị là “Camera giám sát môi trường” tại xã Đông Thanh. Anh Trần Xuân Lộc - Bí thư Đoàn xã Đông Thanh, một người rất tâm huyết với mô hình, anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?
Có thể nói mô hình “Camera giám sát môi trường” là một mô hình rất hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Tại mô hình này, chúng tôi đăng ký lắp đặt tại một số điểm nhằm ngăn chặn việc người dân xả rác bừa bãi.
Để mô hình đi vào hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp với Ban nhân dân thôn cùng quản lý camera, thường xuyên theo dõi tình hình tại điểm lắp đặt, nhận thông báo phản ánh từ người dân để trích xuất camera, làm cơ sở thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm.
Từ khi chúng tôi đăng ký mô hình này với Huyện Đoàn Lâm Hà, camera giám sát môi trường thực sự đã góp phần giảm thiểu việc xả rác không đúng nơi quy định của một bộ phận người dân ý thức bảo vệ môi trường chưa cao.
Thưa chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà, chị có thể chia sẻ đôi nét về các mô hình bảo vệ môi trường mà Huyện Đoàn Lâm Hà đã triển khai trong thời gian qua?
Hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Đoàn thanh niên huyện Lâm Hà đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu một cách hiệu quả, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Đơn cử, nhằm thiết thực hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng huyện Lâm Hà về đích nông thôn mới vào năm 2022, thực hiện có hiệu quả phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ Lâm Hà đã triển khai nhiều công trình, mô hình, phần việc có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Riêng 2 năm 2023 và 2024, Huyện Đoàn đã tổ chức 13 đợt ra quân đồng loạt các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Chủ nhật vì cộng đồng”. Qua đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã xây dựng được 3 tuyến đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời dài hơn 5km; 12 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; 2 công trình “Biến bãi rác thành vườn hoa”'; 16 chiếc camera giám sát môi trường tại các điểm đổ rác sai quy định, mô hình “trường học không rác thải nhựa” tại 6/6 trường trường học trên địa bàn huyện và 1 tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp”.
Bên cạnh các mô hình cấp huyện, tại các tổ chức cơ sở Đoàn huyện Lâm Hà cũng có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Hiện nay, 16 Đoàn xã, thị trấn duy trì tuyến đường thanh niên tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”, trồng mới trên 30.000 cây xanh trong năm 2024, cùng nhiều mô hình tái chế rác thải nhựa thành đồ gia dụng, biến bãi rác thành sân chơi thể thao,…
Một số bạn trẻ chia sẻ rằng, tham gia những mô hình này giúp họ học hỏi và trưởng thành hơn. Chị có nhận xét gì về điều này?
Theo tôi, nhận định này của các bạn trẻ rất đúng. Bởi qua những hoạt động tham gia cùng tổ chức Đoàn chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các bạn trẻ sẽ được nâng cao nhận thức của bản thân, để họ hiểu rằng từ những hành động của mình, dù nhỏ nhưng cũng đã góp phần bảo vệ môi trường sống của chính bản thân, xây dựng quê hương tươi đẹp hơn.
Từ chính những bạn trẻ này, họ sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả tới người thân, gia đình và bạn bè xung quanh về công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng. Đồng thời, thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức Đoàn chúng tôi cũng tìm ra được những nhân tố mới nhiệt huyết, năng động,... tạo nguồn giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, xây dựng nguồn cán bộ Đoàn tại cơ sở.
Theo chị Hạnh, đâu là những khó khăn lớn nhất mà Đoàn thanh niên gặp phải khi thực hiện các mô hình này?
Khi triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng theo tôi hai khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải:
- Thứ nhất, về vấn đề kinh phí thực hiện và duy trì các mô hình còn tương đối ít, trong khi nhu cầu nhân rộng các mô hình mà chúng tôi triển khai tương đối lớn.
- Thứ hai, để xây dựng và duy trì các mô hình rất cần cán bộ Đoàn có tâm huyết trong công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên có hoạt động tại mô hình, chỉ cần không có hoạt động duy trì trong một thời gian ngắn, mô hình có thể sẽ thất bại.
Chị có kỳ vọng gì về vai trò của đoàn viên thanh niên trong công cuộc bảo vệ môi trường ở tương lai?
Tôi luôn đặt nhiều kỳ vọng vào đoàn viên thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, bởi các bạn không chỉ là những thế hệ trực tiếp thực hiện mà còn đóng vai trò truyền cảm hứng, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Qua thực tế triển khai các mô hình của Đoàn, chúng tôi nhận thấy rõ rằng khi đoàn viên thanh niên tham gia, kết quả đạt được không chỉ là các hoạt động, các mô hình cụ thể được thực hiện mà còn tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của chính các bạn và những người xung quanh.
Tôi mong rằng, trong tương lai, đoàn viên thanh niên sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của mình. Các bạn trẻ cần sáng tạo hơn, áp dụng công nghệ tốt hơn để các mô hình bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Quan trọng hơn, tôi tin rằng từ những hành động nhỏ, mỗi đoàn viên, thanh niên có thể giúp cộng đồng ý thức hơn, để việc bảo vệ môi trường trở thành việc làm tự nhiên của mỗi người. Với những kết quả đã đạt được, tôi tin rằng tuổi trẻ Lâm Hà sẽ tiếp tục là một trong những lực lượng xung kích, góp phần xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.
Kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi không chỉ cảm nhận được nhiệt huyết của tuổi trẻ mà còn nhận ra rằng, mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần tạo nên một môi trường bền vững cho ngày mai. Những "chiến binh xanh" của Đoàn thanh niên Lâm Hà đang từng ngày viết tiếp câu chuyện đẹp cho vùng đất cao nguyên này.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-chien-binh-xanh-gop-suc-vi-moi-truong-post1696090.tpo