Những 'chiến sĩ' nơi thành trì cuối cùng giành giật sự sống

'Ở đây lúc nào cũng phải sáng đèn, không cấp cứu thì cũng là chăm sóc bệnh nhân. Có những đêm bệnh nhân cấp cứu vào liên tục, cả kíp trực không có thời gian ngồi chứ đừng nói là nghỉ ngơi', bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Khoa điều trị Tích cực và chống độc (Bệnh viện 198, Bộ Công an), chia sẻ.

 Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trong ca trực

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trong ca trực

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

"Đề nghị tất cả người nhà bệnh nhân di chuyển ra bên ngoài cửa khoa, ê kíp trực đêm chuẩn bị đón bệnh nhân cấp cứu", câu nói của bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy vừa dứt, tiếng bước chân vội vã. Cả kíp trực 4 người, mỗi người một nhiệm vụ đều khẩn trương nhất có thể.

Bệnh nhân là thanh niên 24 tuổi, bị tai nạn do điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu say. 3 giờ sáng, kíp trực mới cấp cứu xong cho bệnh nhân.

"May mắn là bệnh nhân chưa phải thở máy, sáng sớm mai phải đưa đi chụp CT đánh giá lại ổ bụng xem tình trạng tổn thương như thế nào, có nguy hiểm không?" - Vừa tháo đôi găng tay còn dính máu, chị Thủy vừa nói với các điều dưỡng cùng kíp trực.

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà (30 tuổi), ca bệnh như thế này là còn nhẹ so với các bệnh nhân vào đây. "Có lần cấp cứu bệnh nhân bị sốc tim, cả ê-kip thay nhau cấp cứu và ép tim từ 21 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Lúc ấy, cảm giác như hai cánh tay không còn là của cơ thể mình nữa rồi, tê dại, mỏi nhừ. Nhưng tất cả đều cố gắng, làm xong thủ tục cho bệnh nhân thì cũng là lúc trời sáng".

Chỉ khi ở căn phòng không bao giờ tắt đèn này mới hiểu cảm giác không có thời gian để ngồi là như thế nào. Mỗi nhân viên y tế tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc 1 tuần có 2 buổi trực đêm. Mỗi ngày trực, họ phải làm việc liên tục 24 giờ, từ 8h sáng hôm nay đến 8h sáng hôm sau.

"Vì hầu hết ca cấp cứu là bệnh nhân nặng, nằm bất động với đủ các loại dây dợ trên người nên việc chăm sóc là do điều dưỡng thực hiện. Từ làm các việc theo y lệnh, vệ sinh cá nhân, cho bệnh nhân ăn… phải đến 50 đầu việc chứ không ít...", điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung, người đã gắn bó 13 năm với công việc tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc (Bệnh viện 198) chia sẻ.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà chăm sóc bệnh nhân tại Khoa điều trị Tích cực và chống độc, Bệnh viện 198, Bộ Công an

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà chăm sóc bệnh nhân tại Khoa điều trị Tích cực và chống độc, Bệnh viện 198, Bộ Công an

Quyết tâm giữ vững thành trì

"Những ngày mới chuyển từ khoa ngoại xuống đây, cứ hết ca trực, bước ra khỏi cổng bệnh viện là em lại khóc. Khóc vì sốc trước cường độ làm việc quá khủng khiếp và phải liên tục đối diện với chuyện sống - chết. Nhưng bây giờ thì quen hết rồi", điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự.

Một câu "quen hết rồi" nghe thì cảm thấy nhẹ nhàng nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực thích nghi và cố gắng ở nơi được ví như "đầu sóng, ngọn gió" này. Khoa có tổng cộng 26 giường nhưng chỉ có 22 điều dưỡng (4 nam, 18 nữ), nếu theo quy định thì phải có 39 điều dưỡng.

"Nhân lực trong khoa luôn thiếu vì chị em trong độ tuổi mang thai, sinh đẻ, người thì đi học, người trực xong thì được nghỉ bù nên quân số để làm việc thường xuyên khoảng 10-12 người. Các điều dưỡng viên ở đây luôn phải nhanh nhẹn, tháo vát.

Bệnh nhân có thể vừa cười nói đó nhưng quay lưng một khắc đã tiến triển xấu, đòi hỏi thao tác phải khẩn trương để cứu người", chị Vũ Thu Hằng, điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị tích cực và chống độc, cho biết.

Khoa thường xuyên trong tình trạng kín bệnh nhân. Phần lớn người bệnh được đưa vào đây từ các khoa, phòng, bệnh viện tuyến dưới, trong tình trạng chuyển biến nặng hoặc nguy kịch.

"Nhiều khi có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng quá nặng, các bác sĩ, nhân viên y tế đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không giữ được sinh mạng của họ. Khi thông báo cho người nhà, ánh mắt tuyệt vọng, đau đớn của họ khiến cả êkip cũng buồn đến day dứt.

Mỗi lần như vậy chúng tôi lại tự nhủ phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Mỗi bệnh nhân vào đây, được ra viện trở về nhà là tất cả mọi người đều vui lắm. Công sức của cả một tập thể, chứ không của riêng ai", bác sĩ Thủy chia sẻ.

Theo bác sĩ Bùi Nam Phong, Trưởng khoa Điều trị tích cực và chống độc, Bệnh viện 198, vì biết đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế phải chịu nhiều áp lực và vất vả nên mỗi buổi giao ban, hay trong sinh hoạt tập thể, lãnh đạo khoa luôn dành thời gian để chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó có sự hỗ trợ, động viên, quan tâm kịp thời để mọi người tiếp tục công việc với tinh thần nỗ lực cao nhất.

"Các nhân viên y tế ở đây không chỉ mang trên mình áo blouse trắng, mà còn khoác trên vai quân phục, quân hàm. Vì vậy tinh thần của người chiến sĩ Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ là điều mà mỗi người luôn tự nhắc nhở, để bản thân phải làm sao cho xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân, của bệnh nhân khi đã gửi gắm sức khỏe, tính mạng của mình vào đây", bác sĩ Phong cho biết.

Ở "thành trì" cuối cùng này, ranh giới sinh tử rất mong manh. Nhưng hơn tất cả, sau mỗi lần chứng kiến sự ra đi, mất mát ấy, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây vẫn tiếp tục nỗ lực để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Vì ở họ không chỉ là trái tim của một bác sĩ mà còn là trái tim của một người chiến sĩ Công an vì dân phục vụ.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-chien-si-noi-thanh-tri-cuoi-cung-gianh-giat-su-song-20240821173257687.htm