Những chính sách kích cầu hàng tiêu dùng dịp cuối năm

Theo thông lệ hàng năm nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân. Năm nay các cơ quan, ban ngành có nhiều chính sách kích cầu hàng tiêu dùng những tháng cuối năm.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức cũng sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh vào nước ta trong thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất kinh doanh được triển khai tích cực, đồng bộ giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Như: một ngân hàng TMCP Nhà nước tại Hà Nội hiện đang vay vốn với lãi suất chưa tới 7,5%/năm, cố định lãi suất ưu đãi trong 2 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay tính trên lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 3,5% nhưng không thấp hơn mức sàn hiện là 10%/năm. Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất 1-3 điểm %/năm so với các tháng trước. Tuy nhiên dù đã giảm, lãi suất cho vay vẫn trên 10%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với lãi suất huy động giảm như hiện nay, lãi suất cho vay về mức 7%/năm là hợp lý, có như vậy mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, đã bước sang quý 4 nhưng các đơn hàng DN sản xuất mới chỉ tính theo tháng, thị trường còn khó khăn.

Hỗ trợ người dân để kích tiêu dùng

Hiện nay, tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do đó, cần có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm thúc đẩy kinh tế nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, về giải pháp kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đã thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, Sở đã chỉ đạo các DN chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết...

Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.

Bộ Công thương cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi và các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt.

Nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời, tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-chinh-sach-kich-cau-hang-tieu-dung-dip-cuoi-nam-360428.html